Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ Giao thông Vận tải nhận được nhiều phương án sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long của Nga, Đức, Nhật và phía Bộ vẫn đang xem xét, đánh giá để lựa chọn phương án tối ưu.
Hư hỏng trên nền mặt cầu Thăng Long vẫn chưa được sửa chữa triệt để. (Ảnh: TTXVN) |
Tại buổi họp báo quý 3 của Bộ Giao thông Vận tải chiều 28/9, theo Thứ trưởng Đông, vào ngày 17/9, đoàn chuyên gia của Nga đã sang khảo sát hiện trạng cầu Thăng Long-Hà Nội. Đoàn chuyên gia sang khảo sát theo đề nghị từ phía Bộ vì trong đoàn này có một số chuyên gia đã từng tham gia xây dựng cầu đặc biệt xử lý trực tiếp vấn đề dính bám giữa mặt cầu với kết cấu bê tông nhựa.
“Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải chưa có phương án sửa chữa cụ thể vì đang phải lấy ý kiến các chuyên gia Nga đánh giá, đưa ra các giải pháp, phương án xử lý để so sánh các phương án, sau đó mới chọn phương án sửa chữa. Bên cạnh đó, Bộ cũng có nhận được đề nghị của các chuyên gia Nhật Bản và Đức về phương án sửa chữa cầu Thăng Long, tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải vẫn phải đánh giá và xem xét,” Thứ trưởng Đông cho biết.
Đề cập về số tiền sửa chữa cầu Thăng Long, Thứ trưởng Đông khẳng định: “Số tiền sửa chữa cầu sẽ lấy từ Quỹ bảo trì đường bộ.”
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất hướng nghiên cứu xử lý mặt cầu Thăng Long đang bị hằn lún, rạn nứt, hư hỏng khá nặng.
Theo đó, phương án 1 sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu (tăng độ cứng, tăng khả năng chịu lực cho lớp bản thép trực hướng); khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bêtông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây.
Phương án 2 chỉ thí điểm sửa chữa lớp bêtông nhựa mặt cầu như phương án 1, không sửa chữa phần kết cấu thép. Tuy nhiên, phương án này sẽ không xỷ lý được triệt để hiện tượng nứt dọc do bản thép bị mỏi, suy giảm khả năng chịu tải.
Phương án 3 cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bêtông nhựa (sử dụng loại bêtông nhựa gia cường cốt sợi thủy tinh để cải thiện khả năng chịu kéo của bêtông nhựa). Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại trong quá trình hàn phát sinh nhiệt có thể làm biến dạng bản thép và trong quá trình khai thác, do biến dạng và dao động của bản thép làm bong bật các mối hàn.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ đã liên hệ với Công ty và chuyên gia Nga. Phía Nga đã trả lời có thể hợp tác nhưng đề nghị chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước đồng thời phía Nga sẽ khảo sát tình hình thực tế.
Trước đó, năm 2009, mặt cầu Thăng Long được tiến hành sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu (kết cấu lóp phủ mặt cầu tính từ dưới lên). Sau một thời gian khai thác, lớp bêtông nhựa SMA bị hư hỏng, trượt, xô dồn nứt dẫn đến lớp bêtông nhựa mặt cầu nhanh bị phá hỏng.
Nguyên nhân được các cơ quan chức năng xác định là dính bám giữa lớp bêtông nhựa SMA và lớp chống thấm trên bản thép không đạt yêu cầu đồng thời hiện tượng nứt tạo thành khe cho nước thấm xuống cũng gây hư hỏng mặt cầu. Ngoài ra, giữa lớp chống thấm và mặt thép cũng bong tróc, không đảm bảo kết dính.
Trong giai đoạn năm 2012-2013, Bộ Giao thông Vận tải thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bêtông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy rải chuyên dụng của hãng HallBrother (Mỹ), sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường polyme và bêtông nhựa polyme. Thế nhưng, sau một thời gian có nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.
Từ năm 2016 đến nay, Cục Quản lý đường bộ 1 tổ chức duy tu bảo dưỡng thường xuyên đã sửa chữa cục bộ các vị trí bêtông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo giao thông. Gần đây, mưa nhiều phát sinh hư hỏng nhưng đã được sửa chữa đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, do mưa liên tục nên các vị trí sửa không được phẳng nhẵn. Các đơn vị duy tu đã khắc phục miếng vá lồi./.
Mặt đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 3.116m gồm phần cầu chính dài 1.688m, với 15 nhịp dàn thép được chia thành 5 liên, mỗi liên gồm 3 nhịp dàn thép liên tục. Bề rộng mặt cầu 20,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5m (mặt đường bê tông nhựa diện tích 27.852m2), còn lại hai bên là phần đường bộ hành công vụ mỗi bên rộng 2,0m.
Phần cầu dẫn bêtông cốt thép có tổng chiều dài dài 1.428m (nhịp mố phía bắc gồm 22 dầm x 33m; nhịp mố phía nam gồm 21 dầm x 33m), bề rộng măt 16,5m (diện tích 23.562m2).
Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Cầu được xem là công trình thế kỉ của tình hữu nghị Việt-Xô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.