(HNMO) - Ngày 27-11, Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) khai trương phòng cấp cứu - can thiệp tim mạch Q1.
Lễ khai trương phòng cấp cứu - can thiệp tim mạch Q1. |
Theo báo cáo của Viện Tim mạch Việt Nam, số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp tại đây ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình 15%/năm.
Cụ thể, năm 2017 có trên 10.000 ca can thiệp tim mạch, đến năm 2018, ước tính tổng số lượng bệnh nhân can thiệp lên tới 12.000 ca/năm. Đặc biệt, Viện Tim Mạch là tuyến cuối về chuyên môn nên số lượng những ca bệnh phức tạp, những ca khó cần can thiệp cũng tăng nhiều.
Vì vậy, nhu cầu học tập, đào tạo kỹ thuật, ứng dụng triển khai các kỹ thuật mới ngày càng gia tăng. Hằng năm, tại Viện có hàng trăm lượt học viên trong và ngoài nước học chuyên sâu về tim mạch can thiệp.
Riêng năm 2017, Viện đã mở các khóa đào tạo, trong đó có 4 khóa đào tạo ngắn về kỹ thuật cho các học viên quốc tế như: Can thiệp đặt stent graft động mạch chủ, cấy máy tạo nhịp phức tạp, can thiệp tim bẩm sinh, can thiệp động mạch vành phức tạp…
Viện Tim mạch đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, nâng dần số lượng và hiện đại hóa chất lượng 4 máy chụp mạch nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và nhu cầu học tập của các bác sĩ từ các tuyến trong cả nước.
Do đó, việc phòng cấp cứu - can thiệp tim mạch Q1 đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày một cao của người dân, đồng thời nâng cao năng lực đào tạo chuyển giao công nghệ tim mạch can thiệp hiện đại giúp cho các tuyến giải quyết các bệnh lý tim mạch bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp có hiệu quả và đạt chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.