(HNM) - Khảo sát, rà soát về tình hình lao động, việc làm, từ đó tham mưu cho các cấp ban hành chính sách phù hợp trong hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt vùng bị thu hồi đất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, thời gian qua ngành đã phải dựa vào nhiều nguồn thông tin khác nhau trong tập hợp, dẫn đến thống kê chưa sát thực tiễn, tạo sự hoài nghi về những con số.
Tác động bởi suy giảm của kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể. Theo Cục Đăng ký kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng năm 2013, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động lên tới con số hơn 60.000, tăng 11,9% so với năm 2012, trong đó có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Điều đó cũng có nghĩa việc làm của người lao động bị ảnh hưởng, nhiều người mất việc làm. Tuy nhiên, số liệu của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho thấy, công tác giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn vẫn ở mức khả quan. Trong 3 năm (2011-2013) đã có 62.000 lao động được tuyển dụng vào các doanh nghiệp thông qua các phiên giao dịch việc làm. Riêng năm 2013, Sở đã tổ chức 113 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 9 phiên lưu động, giải quyết cho 28.000 lao động có việc làm.
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội tháng 7-2012, các đại biểu đã băn khoăn về chỉ tiêu kết quả giải quyết việc làm. Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản giải trình rằng, đây là chỉ tiêu tổng hợp được ghi chép tại các tổ dân phố theo Thông tư 25 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thu thập và xử lý thông tin về cung - cầu lao động đối với 1,6 triệu hộ gia đình. Mới đây, trong buổi làm việc của Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội về kết quả thực hiện kiến nghị của cử tri, một số đại biểu một lần nữa băn khoăn và cho rằng giải trình của ngành chưa phù hợp, đề nghị làm rõ. Theo ý kiến của Đoàn giám sát, qua khảo sát ở cơ sở, việc phân bổ chỉ tiêu trong đào tạo nghề ở các huyện không đồng đều; số người được giải quyết việc làm sau đào tạo là bao nhiêu vẫn chưa có thống kê cụ thể. Nếu Sở chỉ thống kê qua sàn giao dịch, từ tổ dân phố rất dễ bị trùng số liệu, vì đa số doanh nghiệp mới chỉ nhận đơn hẹn phỏng vấn tại các sàn giao dịch mà không tuyển dụng trực tiếp. Thống kê ở khu dân cư cũng chưa có cơ sở khoa học, khiến cho số liệu trùng lặp, chưa đánh giá sát cung - cầu lao động.
Lý giải về điều này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, ngoài dựa vào ghi chép ở khu dân cư và tổng hợp từ sàn giao dịch, Sở căn cứ vào chỉ tiêu vay vốn quốc gia giải quyết việc làm để tính số lao động được giải quyết việc làm. Thực tế, con số thống kê hiện nay ở mức "tương đối". Ông Đào Việt Thanh, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội cho biết thêm: Lực lượng thanh tra của Sở mỏng, chỉ có 16 cán bộ, trong khi đó số đối tượng chính sách đến 10% dân số, nhiều địa phương đang trong quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, vấn đề lao động, việc làm trở nên cấp bách. Nhằm nâng cao lực lượng thanh tra lao động, năm 2009 Sở đã xây dựng Đề án tăng cường lực lượng thanh tra lao động trình UBND TP Hà Nội nhưng chưa được phê duyệt. Trong khi đó, ngày 11-11-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành LĐ-TB&XH đến năm 2020. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng kế hoạch triển khai trong toàn quốc. Sau khi có kế hoạch thực hiện đề án của Bộ, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện. Dự kiến, Sở sẽ tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt, giai đoạn từ nay đến năm 2015 bổ sung lực lượng thanh tra viên của Sở từ 16 lên 60 người theo đề án của Chính phủ; giai đoạn 2015-2020 là 100 người. Sau khi hoàn thiện về nhân sự, các thanh tra viên sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm đảm nhiệm tốt công việc thanh tra của ngành.
Như vậy, có thể nói đến nay ngành LĐ-TB&XH mới chỉ đáp ứng được yêu cầu tổng hợp, chưa thực hiện tốt khâu điều tra, đánh giá, phân tích về thực trạng nhu cầu lao động. Trong khi đó, chỉ khi nào đưa ra dự báo thị trường lao động tốt thì mới đề ra được các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với thị trường, tránh được tình trạng cung lệch cầu. Đây cũng là cơ sở để TP Hà Nội bố trí ngân sách hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm, giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn nhân lực có chất lượng, tránh lãng phí cho xã hội. Hy vọng rằng, cùng với việc triển khai Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành LĐ-TB&XH đến năm 2020, Sở LĐ-TB&XH sớm khắc phục những bất cập, hạn chế để thực hiện tốt chức năng dự báo chính xác nhu cầu cung - cầu lao động, kết quả giải quyết việc làm, kịp thời tham mưu cho UBND thành phố ban hành chính sách chăm lo, giải quyết việc làm cho người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.