(HNMO) - Đến 6h ngày 20-3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 122.838.467 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.711.906 trường hợp đã tử vong, 98.964.528 người đã bình phục.
Châu Âu
Số người tử vong vì đại dịch Covid-19 tại Lục địa già đã vượt mốc 1 triệu trường hợp, bất chấp nỗ lực triển khai tiêm phòng vắc xin được đẩy mạnh. Với 51 quốc gia, châu Âu hiện chiếm 35,5% số ca tử vong và 30,5% số ca nhiễm của toàn thế giới.
Tại Pháp, người dân Paris ồ ạt xếp hàng lên tàu rời thành phố trước giờ lệnh phong tỏa có hiệu lực. Việc quốc gia châu Âu áp dụng lệnh hạn chế đi lại tại Paris và các địa phương phía Bắc được giới phân tích đánh giá sẽ khiến người dân đổ xô về các khu vực ít bị hạn chế hơn, như bờ biển phía Tây Nam Đại Tây Dương, vùng Brittany hay Lyon. Theo phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý đường sắt quốc gia nước này (SNCF), các chuyến tàu tới những địa điểm trên hiện đã kín chỗ.
Hungary thông báo ghi nhận số ca mắc mới và tử vong ở mức cao chưa từng thấy, với 10.759 ca mắc mới và 213 ca tử vong. Tuy nhiên, trước việc có thêm 1 triệu người dân được tiêm phòng, Thủ tướng Hungary Viktor Orban lạc quan rằng nước này có thể khởi động giai đoạn đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan dịch Covid-19. Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Hà Lan cũng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 1 vừa qua, với 7.375 ca. Về phần mình, với hơn 25.000 ca mắc mới Covid-19, tổng số ca bệnh tại Ba Lan đã vượt 2 triệu người.
Tại Đức, số ca mắc mới gia tăng nhanh chóng khiến giới chức nước này lo ngại về khả năng tái siết chặt các biện pháp phong tỏa hiện hành. Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) cảnh báo, nhiều khả năng tình hình sẽ tồi tệ hơn vào dịp Lễ Phục sinh so với thời điểm trước Giáng sinh. Nền kinh tế số một châu Âu hiện đã ghi nhận 2.645.186 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 16.557 ca nhiễm mới.
Iceland trở thành quốc gia đầu tiên trong khối Schengen đón du khách quốc tế, khi một chuyến bay chở 150 hành khách quốc tế xuất phát từ Frankfurt (Đức), đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Keflavik của nước này. Chuyến bay chủ yếu mang tính biểu tượng, phản ánh quyết tâm của Iceland nhằm giải cứu ngành Du lịch trong nước, vốn đang phải vật lộn với những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) Emer Cooke khẳng định, vắc xin ngừa Covid-19 của Hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) là chế phẩm "an toàn, hiệu quả" và không gây ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm chủng, qua đó xóa tan nghi ngại về những tác dụng phụ của chế phẩm này.
Để đi đến kết luận trên, EMA đã điều tra từng trường hợp, tham vấn các nhà khoa học tại 27 quốc gia thành viên EU. Trong tổng số 5 triệu người châu Âu đã được tiêm chủng vắc xin của AstraZeneca, có 30 người xuất hiện triệu chứng máu vón cục. EMA khẳng định, đối với cả 30 trường hợp này, cục máu đông hình thành không liên quan đến việc vừa tiêm chủng vắc xin trước đó. Ngay sau thông báo trên của EMA, nhiều quốc gia, trong đó có Đức, Pháp, Italia... đã nối lại việc sử dụng vắc xin của AstraZeneca.
Châu Á
Tình hình dịch bệnh đã căng thẳng trở lại tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ. Theo giới chức sở tại, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2 ở mức cao nhất trong vòng 3 tháng - tới 40.950 trường hợp, chính quyền đã áp dụng các biện pháp mới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Tại Đông Nam Á, Philippines cũng thông báo số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước tới nay, lên tới 7.103 ca, đồng thời có thêm 13 ca tử vong. Trong khi đó, Indonesia cũng có thêm 6.279 ca nhiễm và 197 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 1.450.132 và 39.339. Hiện Indonesia vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực. Trước tình hình trên, giới chức Indonesia đã quyết định gia hạn biện pháp hạn chế hoạt động công cộng tới ngày 5-4, đồng thời mở rộng quy mô thực hiện thêm 5 tỉnh. Như vậy, tổng số tỉnh đang áp dụng các biện pháp này tại Indonesia đã tăng lên thành 15 tỉnh.
Tại Thái Lan, trong bối cảnh dịp Tết cổ truyền Songkran (Lễ hội té nước), đang sắp tới gần, Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc cho tới ngày 31-5 nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Trong dịp lễ, hoạt động té nước, các buổi hòa nhạc hoặc bất kỳ hoạt động nào liên quan đến sự tiếp xúc gần giữa mọi người đều bị cấm, song các hoạt động truyền thống như thực hành tôn giáo hoặc nghi lễ thể hiện sự tôn trọng đối với người cao tuổi cũng như giao thông liên tỉnh có thể diễn ra bình thường. Ngoài ra, từ ngày 1-4, du khách nước ngoài tới Thái Lan sẽ không phải xuất trình giấy chứng nhận đủ sức khỏe đi máy bay, trong khi các cơ sở cách ly vẫn sẽ hoạt động dưới nhiều hình thức từ ngày 1-4 đến 30-9.
Châu Mỹ
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới từ dịch Covid-19, với 553.884 trường hợp đã tử vong trong tổng số 30.418.345 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 287.795 ca tử vong trong số 11.871.390 ca mắc Covid-19. Trong ngày 19-3, quốc gia Nam Mỹ này cũng ghi nhận số ca nhiễm theo ngày ở mức cao thứ hai kể từ khi đại dịch bùng phát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.