(HNMO) - Thượng nghị sĩ Robert Menendez ngày 7-7 thông báo Nhà Trắng đã bắt đầu tiến trình chính thức rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cắt đứt mối quan hệ với tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trên tài khoản Twitter, Thượng nghị sĩ Menendez cho biết, quyết định rút khỏi WHO có hiệu lực kể từ ngày 6-7 và thông báo đã được gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric đã xác nhận thông báo của Mỹ, đồng thời cho biết, dựa vào các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có 1 năm để hoàn tất quá trình rút cũng như để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác.
Trong khi đó, ngày 7-7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, đại dịch Covid-19 đang gia tăng, song thế giới vẫn chưa tới đỉnh dịch. WHO cũng xác nhận thông tin Tổng Giám đốc T.Ghebreyesus và nhóm chuyên gia của tổ chức này sẽ tới Trung Quốc vào cuối tuần để tìm hiểu về nguồn gốc của vi rút SARS-CoV-2.
Theo thống kê, tính tới 6h ngày 8-7 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 11.925.448 ca mắc Covid-19, trong đó có 545.347 bệnh nhân tử vong.
Châu Mỹ
Ngày 7-7, truyền thông Brazil đưa tin Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thông báo ông đã mắc Covid-19. Theo nguồn tin này, nhà lãnh đạo 65 tuổi của Brazil ngày 6-7 đã quyết định tiến hành xét nghiệm sau khi có các triệu chứng của Covid-19, trong đó có sốt cao.
Trước đó, Tổng thống J.Bolsonaro đã nhiều lần hạ thấp nguy cơ của dịch bệnh, đồng thời hối thúc chính quyền các địa phương nới lỏng lệnh phong tỏa mà ông cho là đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Brazil. Brazil là quốc gia đứng thứ hai thế giới về cả số ca mắc lẫn ca tử vong vì dịch bệnh.
Số ca mắc mới gia tăng tại 39 bang của Mỹ trong những ngày qua, trong đó 16 bang ghi nhận những ngày cao điểm nhất kể từ khi bùng dịch, dẫn tới tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
Bất chấp tình hình dịch Covid-19 xấu đi, các quan chức Nhà Trắng cho biết, nền kinh tế Mỹ, vốn đang lao đao do tác động của lệnh phong tỏa toàn quốc áp đặt vào tháng 3 và 4 vừa qua, sẽ không đóng cửa trở lại.
Châu Á và châu Đại dương
Giới chức thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 7-7 thông báo không có ca mắc mới Covid-19 lần đầu tiên kể từ khi phát hiện một ổ dịch ngày 11-6 tại chợ đầu mối Tân Phát Địa.
Cùng ngày, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo có thêm 106 ca mới nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trở thành ngày thứ sáu liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới vượt quá 100.
Ấn Độ đã ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 vượt 20.000 ca và số ca mắc tăng mạnh, trong bối cảnh nước này xúc tiến nới lỏng các biện pháp phong tỏa để nối lại hoạt động kinh tế. Cụ thể, ngày 7-7, Ấn Độ ghi nhận thêm 479 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 20.653 ca. Số ca mắc bệnh tăng 22.135 ca lên 743.481 ca.
Tại Iran, giới chức y tế thông báo đã có thêm 200 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này vào tháng 2. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Iran hiện lên tới 11.931 ca.
Trong 24 giờ qua, Philippines tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới vượt qua cả Indonesia. Nước này cũng đã soán vị trí thứ hai khu vực của Singapore về tổng số ca bệnh. Tuy nhiên, ngày 7-7, người phát ngôn của Tổng thống Philippines thông báo chính phủ nước này đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại nước ngoài với người dân.
Tại Indonesia, lực lượng đặc trách chống Covid-19 xác nhận vắc xin ngừa Covid-19 do nước này phát triển đã vượt qua được 8 giai đoạn thử nghiệm và sẽ trải qua 7 cuộc kiểm tra khác. Nếu các cuộc thử nghiệm sắp tới đều diễn ra suôn sẻ, việc sản xuất vắc xin với quy mô lớn nhiều khả năng sẽ được hoàn tất vào giữa năm tới.
Tại Australia, bang Victoria ghi nhận thêm 191 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng hằng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Australia. Chính quyền thành phố Melbourne thông báo sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa thành phố lớn nhất bang Victoria với trên 5 triệu dân này trong 6 tuần, từ nửa đêm 8-7, sau khi số ca mắc tại đây tăng nhanh trở lại.
Tại nước láng giềng New Zealand, chính phủ nước này bắt đầu hạn chế công dân trở về nước trong bối cảnh công dân ồ ạt hồi hương để tránh dịch bệnh tại nước ngoài khiến các trung tâm cách ly trở nên quá tải. Trong 3 tuần tới, hãng hàng không quốc gia New Zealand sẽ tạm dừng nhận đặt chỗ. Chính phủ cũng đang đàm phán với một số hãng hàng không khác để hạn chế số lượng hành khách.
Châu Âu
Nhằm giảm thiểu những thiệt hại với các ngành kinh tế do dịch Covid-19 gây ra, ngày 7-7, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo giải ngân 1,8 tỷ euro (2 tỷ USD) hỗ trợ các công ty vận tải bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất nhiều biện pháp tăng hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất rượu, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19.
Theo đó, các nhà sản xuất sẽ được miễn một số luật chống độc quyền nhất định của Liên minh châu Âu (EU) trong vòng 6 tháng. EC cũng sẽ tăng phần đóng góp của EU cho các chương trình hỗ trợ quốc gia từ mức 60% hiện nay lên 70%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.