(HNM) - Với hơn 3.600 cơ sở hành nghề y và hơn 7.000 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập nằm ở khắp các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hệ thống này trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người dân thời gian qua.
Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư cho các cơ sở y tế công lập còn chưa đáp ứng yêu cầu, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống y, dược tư nhân tại Hà Nội đã góp phần không nhỏ trong giảm tải cho hệ thống y tế công lập, cung cấp những dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao cho người dân; đồng thời giúp giải quyết việc làm cho nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường y, dược trong cả nước.
Không những thế, hệ thống y, dược tư nhân với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đang tạo ra áp lực lớn để các cơ sở y tế công lập phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt khi tiến tới tự chủ hoàn toàn.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của các cơ sở y, dược tư nhân đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số cơ sở chưa chấp hành quy định của pháp luật; trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ chưa đạt yêu cầu; chủ quầy thuốc không có mặt, giá thuốc quá cao, chất lượng chưa bảo đảm.
Thậm chí có cơ sở còn chạy theo lợi nhuận, coi thường pháp luật cũng như tính mạng của bệnh nhân; lợi dụng lòng tin của người dân khi quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn...
Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân gặp nhiều khó khăn do số cơ sở biến động liên tục, lực lượng cán bộ còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn khác. Một số chế tài xử lý chưa sát với thực tiễn, chưa đủ mạnh; việc chấp hành các quy định pháp luật của một số cơ sở chưa tự giác… là nguyên nhân xảy ra không ít vụ việc đáng tiếc trong thời gian qua.
Những bất cập của các cơ sở y, dược tư nhân khiến dư luận hết sức lo ngại. Vì vậy, đã đến lúc phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý hệ thống này để nâng cao chất lượng hoạt động cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Để làm được điều đó, trước hết cần nêu cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, hoạt động của các cơ sở y, dược tư nhân. Cùng với việc yêu cầu phải công khai niêm yết chứng chỉ hành nghề y, giấy phép hành nghề và phạm vi hành nghề, việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm là biện pháp quan trọng để đưa các cơ sở y, dược tư nhân hoạt động nền nếp, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố, bởi thực tế cho thấy, nhiều trường hợp cơ sở y, dược tư nhân vi phạm nhưng chính quyền cơ sở lại không đủ thẩm quyền xử lý. Ở vấn đề này, địa phương phát huy trách nhiệm giám sát, đồng thời kịp thời thông tin cho Sở Y tế khi vượt thẩm quyền để liên ngành thành phố kiểm tra, xử lý.
Về tuyên truyền, cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở y, dược tư nhân vi phạm pháp luật để nhân dân biết và cùng theo dõi, giám sát. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, cung cấp các thông tin cho nhân dân để cảnh giác, không sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh trái phép hoặc hoạt động quá phạm vi chuyên môn cho phép, không bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Chỉ có như vậy mới hạn chế mặt tiêu cực của hệ thống y, dược tư nhân; đồng thời khuyến khích phát huy những mặt tích cực của hệ thống này trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.