Ngày 2-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra đã họp triển khai công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Trừ các ca nhập cảnh, còn lại đều liên quan đến các bệnh viện ở Đà Nẵng
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, hiện Việt Nam đã ghi nhận 590 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó có 223 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam); 3 trường hợp tử vong.
Từ ngày 25-7 đến nay đã ghi nhận 144 trường hợp mắc Covid-19 tại 7 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (105); Quảng Nam (25); Đắk Lắk (1); TP Hồ Chí Minh (8); Quảng Ngãi (2); Hà Nội (2), Thái Bình (1).
Các ca bệnh được ghi nhận tới thời điểm hiện tại, ngoài các ca nhập cảnh, đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại các bệnh viện của thành phố Đà Nẵng. Trong đó, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 3 trường hợp đã tử vong (BN428, BN437, BN499), đây là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng.
Tính đến 8h sáng ngày 2-8 đã ghi nhận thêm 4 ca mắc mới, gồm 2 ca liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng; TP Hồ Chí Minh (1); Quảng Ngãi (1) và 2 trường hợp khác là hành khách trên chuyến bay VN5062 từ Liên bang Nga về sân bay Vân Đồn, được cách ly sau khi nhập cảnh.
Vi rút có đột biến, tỷ lệ lây nhiễm cao
Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết số lượng, số ca mắc Covid-19 đợt này tăng nhanh. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.
Cụ thể, về chỉ số lây nhiễm, lần này rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó lần trước chỉ khoảng 1,8-2,2. Bên cạnh đó, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng. Thực tế ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây.
Đặc biệt lần này tỷ lệ F2 bị nhiễm cũng nhiều. Bên cạnh đó, có số lượng người lớn đi đến từ Đà Nẵng, đi đến các bệnh viện ở Đà Nẵng. Từ 1-7 đến nay, các cơ quan chức năng xác định có khoảng 1,4 triệu người.
Tâm dịch lớn nhất là ở cụm bệnh viện tại Đà Nẵng (800.000 người đi qua khu vực này. Có khoảng 42.000 người đã từng đến đây chữa bệnh). Tới đây, chúng ta sẽ phát hiện thêm ca mắc ở một số địa phương khác.
Những ngày qua, Bộ Y tế đã triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp. Tập trung tối đa nhân lực, phương tiện vào Đà Nẵng, lập bộ phận thường trực đặc biệt,… tập trung chống dịch nhằm nhanh chóng kiểm soát được tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong… Để thực hiện được điều này, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, phải thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ cùng với ngành y tế, các địa phương và lực lượng khác cũng phải đồng hành vào cuộc.
Nâng mức đề phòng của toàn xã hội
Các chuyên gia y tế như PGS.TS Trần Đắc Phu, PGS.TS Lê Quang Cường cho rằng: Trong những ngày gần đây, công tác điều tra, khoanh vùng dập dịch, cũng như tinh thần chống dịch ở các địa phương đã được nâng cao. Nhiều địa phương đã đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm với những người có nguy cơ; tạm thời cho thấy chưa có trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng ngoài Đà Nẵng.
Tuy nhiên, dịch bệnh có đặc thù diễn biến âm thầm, do vậy chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt khâu phát hiện sớm, khoanh vùng ngay, điều trị hiệu quả, ngăn chặn dịch lây lan. Đặc biệt, trong lúc này mọi người dân phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”: Bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, đi trên phương tiện giao thông công cộng; trong chung cư phải có nước sát khuẩn; hạn chế tập trung đông người,…
Theo các chuyên gia y tế, điểm nổi bật trong công tác phòng, chống dịch những ngày qua là chúng ta đang dồn lực để xử lý những điểm nóng, tuy nhiên cần hết sức chú ý đến nền dự phòng bởi mỗi người dân là 1 chiến sĩ chống dịch, nhưng hiện nhiều người có biểu hiện chủ quan. Do vậy, chúng ta cần nâng mức đề phòng của toàn xã hội. Mỗi người dân đều phải chủ động phòng dịch, thay vì thụ động, xảy ra cái gì làm cái đó.
Phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn
Tại cuộc họp, sau khi nghe Bộ Y tế báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh, các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia đã bàn thảo các biện pháp dập dịch ở Đà Nẵng; tổ chức công tác cách ly, giám sát; đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở các tỉnh; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường, nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19…
Theo đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, so với diễn biến ổ dịch Bạch Mai, ở Đà Nẵng số ca mắc Covid-19 tăng nhanh hơn trong một thời gian ngắn, dịch bệnh từ Đà Nẵng đã lây ra một số tỉnh, thành...
Do đó, chúng ta phải cần triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, cần giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các địa phương trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.
Chia sẻ với quan điểm của Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh, các chuyên gia y tế nhấn mạnh trách nhiệm cụ thể cho Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định các vấn đề như: Quy định huyện có nguy cơ cao; áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội: Dừng lễ hội, dừng hoạt động nhà hàng, quán bar,…
Siết chặt kỷ cương phòng chống dịch
Trước những diễn biến nhanh của dịch bệnh, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y cho biết, thời gian qua Bộ Quốc phòng đã triển khai các biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch. Quân đội cũng đã tăng cường nhân lực, vật lực vào Đà Nẵng phối hợp cùng các lực lượng khác chống dịch.
Đại diện Bộ Quốc phòng cũng đề nghị địa phương tiến hành rà soát, phân loại để cho phép cách ly trường hợp F1 tại nhà (nếu đủ điều kiện); khu vực dân cư nào có đông trường hợp F1 thì tiến hành phong tỏa cả khu; lấy mẫu sớm trường hợp F1 để xét nghiệm; khẩn trương hoàn thành bệnh viện dã chiến để điều trị các ca bệnh nhẹ…
Các chuyên gia y tế và các đại biểu nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, không chỉ từng người dân mà cả hệ thống phải vào cuộc.
Bên cạnh việc dồn lực dập dịch ở Đà Nẵng, các chuyên gia cũng đề xuất phải siết lại kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch. Trước hết, lực lượng biên phòng và công an quản lý thật chặt người nhập cảnh.
Tiếp đó, ngành y tế cũng phải tiến hành rà toàn bộ số người già, người bệnh nền, người yếu thế; siết chặt việc bảo đảm vệ sinh an toàn dịch tễ, phòng chống nhiễm khuẩn trong các bệnh viện, phải "phòng thủ thật chặt", nhất là với những khoa, những nơi đang điều trị nhiều bệnh nhân nặng.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch; đề nghị chính quyền các địa phương xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Mỗi người dân phải có trách nhiệm với cộng đồng trong phòng, chống dịch.
Địa phương có dịch có thể lùi thời gian thi tốt nghiệp
Về tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong tình hình có dịch, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường đảm bảo vệ sinh dịch tễ tại các cơ sở thi. Phân loại thí sinh theo 4 nhóm. Kết quả rà soát đến thời điểm này cho thấy, không có thí sinh nào thuộc diện F0, số thí sinh thuộc diện F1, F2 rất ít (chủ yếu ở Đà Nẵng),…
Với tình hình hiện tại, căn cứ vào đề xuất của địa phương và mong muốn của thí sinh,… Bộ dự kiến phương án, đối với những địa phương đang có dịch, phải thực hiện giãn cách xã hội, Bộ đề xuất cấp thẩm quyền cho phép có thể lùi thời gian thi (thi vào đợt sau), phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Các chuyên gia giáo dục và thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, công bằng. Dù có dịch hay không có dịch thì vẫn phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Bởi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của thí sinh (được đánh giá chất lượng, đảm bảo bình đẳng, công bằng xã hội,…). Do vậy, đối với địa phương có nguy cơ cao (Đà Nẵng, Quảng Nam) có thể tạm hoãn và tổ chức thi vào đợt sau, còn các địa phương khác vẫn phải thực hiện thi tốt nghiệp bình thường.
Nếu các địa phương có dịch tổ chức 2 đợt, thì vấn đề tuyển sinh đại học, các trường có thể giữ lại một phần chỉ tiêu nhất định, dành cho những địa phương thi sau. Hoặc bổ sung thêm chỉ tiêu để các trường tuyển sinh đợt 2.
Trước ý kiến cho rằng, các thí sinh thi vào đợt sau được lợi là có thời gian ôn thi nhiều hơn, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng cần coi đây là sự nhân ái của xã hội để chia sẻ với các thí sinh không may mắn ở trong vùng dịch…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.