Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý tài sản công

Đức Anh| 17/06/2017 07:43

(HNM) - Việc quản lý, sử dụng, thanh lý tài sản công thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận.


Cán bộ MTTQ xã Ba Trại (huyện Ba Vì) giám sát xây dựng một công trình hạ tầng thoát nước trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt


Phải bồi hoàn khi thất thoát công sản

Thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, cả nước hiện có 2.585 triệu mét vuông đất thuộc quyền sở hữu nhà nước. Số đất này phần lớn được giao cho khối đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng với tỷ lệ 91,65%. Còn lại 7,8% do khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng; 0,54% do khối các tổ chức quản lý. Khối các ban quản lý dự án quản lý, sử dụng 0,01%. Việc giao đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Song, quá trình khai thác, quản lý, sử dụng đất công và nhiều loại tài sản công khác đã xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận.

Tại cuộc họp báo về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi) do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho biết, dự thảo luật này cấm cơ quan quản lý cấp trên giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Các hành vi gây thiệt hại về tài sản công phải chịu bồi hoàn đầy đủ cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giải trình, chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý. Tùy theo mức độ vi phạm, người đứng đầu sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Nguyễn Tân Thịnh, ngoài chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng và giám sát của cán bộ, công chức, viên chức, ban thanh tra nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với quản lý tài sản công. Việc giám sát sẽ tập trung vào các nội dung: Văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công; tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý khác đối với tài sản công; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.

Việc giám sát của cộng đồng được thực hiện theo bốn hình thức: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã.

Để bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước đối với việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh liên kết, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) đã quy định 8 yêu cầu phải tuân thủ, thẩm quyền quyết định, trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập và của cơ quan quản lý tài sản công.

Siết chặt việc thanh lý xe công

Tại báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước, nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý, sử dụng và thanh lý xe công cũng đã được chỉ rõ. Theo đó, việc thanh lý xe công thời gian qua chưa bảo đảm điều kiện về thời gian sử dụng được thanh lý. Cụ thể, Bộ Tài chính thanh lý 93 chiếc (đã thanh lý 41 chiếc, đang triển khai thủ tục bán đấu giá 11 chiếc và đang hoàn thiện hồ sơ để thanh lý 41 chiếc) có thời gian sử dụng từ năm 2002 đến 2007, vẫn còn niên hạn sử dụng 1-6 năm.

Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, theo quy định hiện nay và trong dự thảo luật về quản lý, sử dụng tài sản công có quy định rõ, xe ô tô khi thanh lý phải đáp ứng một trong ba điều kiện: Đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định (15 năm); hoặc sử dụng ít nhất 250.000km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là 200.000km) mà không thể tiếp tục sử dụng; bị hư hỏng, không bảo đảm an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan chức năng và đã sửa chữa nhưng không hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng thừa nhận, thẩm quyền xác định thanh lý xe đang phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương. Thế nhưng, một số nơi lại phân cấp cho cấp dưới nên việc kiểm soát thanh lý xe công đang gặp phải không ít vướng mắc. Vừa qua, sau khi làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính đã bổ sung quy định: Tất cả các trường hợp thanh lý xe công phải nói rõ lý do: Vượt quá thời hạn hay vượt quá kilômét hoặc bị hư hỏng… Từ đó, khi nhìn vào kết quả báo cáo, kiểm toán sẽ biết được lý do thanh lý có minh bạch hay không.

Với những điểm mới tại dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi), dự kiến công tác quản lý tài sản nhà nước sẽ đi vào thực chất, giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý tài sản công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.