Kinh tế

Để tài sản công không lãng phí: Cách tiếp cận mới từ cơ chế, chính sáchBài cuối: Gỡ “nút thắt” để sử dụng công sản hiệu quả

Thanh Hương - Triệu Hoa 12/12/2023 - 07:57

Trước việc quản lý, sử dụng tài sản công bộc lộ, phát sinh bất cập, các chuyên gia, cơ quan quản lý đã đưa ra những giải pháp để sử dụng tài sản công hiệu quả.

Trong đó, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách sao cho tránh chồng chéo và hướng tới bao quát đầy đủ những vấn đề phát sinh.

t7-quanly-taisancong.jpg
Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công hiệu quả sẽ là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Khu nhà số 89 phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm) là một trong những nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước. Ảnh: Đỗ Tâm

Đất đai phải gắn với sản xuất, kinh doanh

Trong giai đoạn vừa qua, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước luôn được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, đồng thời tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn trong thực tế.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Để kịp thời khắc phục vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn, hiện Bộ Tài chính đang rà soát, xây dựng báo cáo, trình cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi các nghị định có liên quan.

Đáng lưu ý, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung quy định theo kiến nghị từ Đoàn giám sát của Quốc hội về việc tách sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bởi thực tế, việc rà soát hiện trạng nhà, đất là nhiệm vụ thường xuyên cả trước, trong và sau cổ phần hóa của các cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai, để bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, chứ không phải chỉ phục vụ công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, khi thực hiện thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước cần rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch. Phần diện tích đất mà doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục sử dụng phải được tính toán, hướng dẫn bảo đảm phù hợp với pháp luật đất đai hiện hành.

Góp thêm ý kiến dưới góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh nêu, cần đưa vào đề án cổ phần hóa nội dung định giá đất đai và tài sản gắn liền với đất phù hợp với giá thị trường. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có điểm đáng lưu ý khi bỏ quy định khung giá đất, thay vào đó là quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất, phù hợp với giá trị thị trường.

Bên cạnh đó, việc đấu giá đất khi thực hiện cổ phần hóa phải được cơ quan kiểm toán độc lập và cơ quan chức năng khác kiểm tra, giám sát đầy đủ. Đặc biệt, tài nguyên đất đai được doanh nghiệp sử dụng sau cổ phần hóa phải gắn liền với sản xuất, kinh doanh cũng như thương hiệu của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần tăng cường việc kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán kết quả xử lý các vấn đề về tài chính và định giá doanh nghiệp, hoạt động khi cổ phần hóa.

Sử dụng cơ sở nhà đất dôi dư vào mục đích công

Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý trụ sở, cơ sở nhà đất công đang dôi dư, để trống, PGS.TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng, trước hết, cần rà soát, thống kê cụ thể về vị trí, địa điểm, diện tích, chất lượng các cơ sở dôi dư; đồng thời nghiên cứu nhu cầu địa phương, đặc biệt nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa…, từ đó ưu tiên sử dụng các cơ sở nhà đất này vào mục đích công cho những lĩnh vực trên.

“Nếu hạ tầng cơ sở sử dụng cho mục đích công đã đủ thì cần nghiên cứu đưa cơ sở nhà đất dôi dư vào việc khác, có thể xem xét chuyển đổi phục vụ cho các dịch vụ kinh tế; kiên quyết không để dư thừa vì rất lãng phí. Các nội dung trên cần thực hiện minh bạch, công khai, có thời hạn”, PGS.TS Bùi Thị An gợi ý.

Liên quan đến nội dung này, tháng 9-2023, Bộ Tài chính đã có Công văn số 9899/BTC-QLCS về việc xử lý trụ sở, tài sản công đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương, UBND cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công đồng thời với quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, được tổng hợp vào Đề án để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong thời gian chờ cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý tài sản công và cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý chủ động triển khai các bước trong quy trình sắp xếp nhà, đất để ngay sau khi đề án được phê duyệt, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định.

Trong quá trình xây dựng phương án tổng thể, UBND cấp tỉnh chủ động rà soát, xem xét tạm dừng phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở tại những đơn vị hành chính dự kiến nhập, điều chỉnh vào đơn vị hành chính khác, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Ban Cán sự đảng, đảng đoàn các cơ quan trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy vào cuộc để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, bảo đảm đến trước năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 74/2022/QH15; đồng thời đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12-7-2023.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát xây dựng Nghị định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP theo hướng tăng cường phân cấp thẩm quyền trong phê duyệt và quyết định xử lý nhà, đất cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh và sửa đổi, bổ sung các nội dung cần thiết khác…

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý về lĩnh vực này, giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc quản lý và sử dụng tài sản công được giao ngày càng hiệu quả hơn.

Bộ này cũng đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà ở địa phương quản lý, khai thác.

Như vậy, cách tiếp cận mới từ hướng cơ chế, chính sách, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong thực tiễn của công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công được kỳ vọng sẽ là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để tài sản công không lãng phí: Cách tiếp cận mới từ cơ chế, chính sách Bài cuối: Gỡ “nút thắt” để sử dụng công sản hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.