(HNM) - Với mức tăng trưởng cao, việc kinh doanh khí gas là thị trường được đánh giá nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, gian lận trong lĩnh vực này đã làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của thị trường, nghiêm trọng hơn là gây bất ổn an ninh, trật tự xã hội.
Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, 5 năm trở lại đây, thị trường khí hóa lỏng (LPG) của nước ta tăng trưởng bình quân hằng năm trên 12%. Hai trụ cột chính tiêu thụ LPG là cơ sở công nghiệp, giao thông - vận tải (chiếm 35%) và các cơ sở thương mại, dịch vụ, hộ tiêu thụ dân dụng (chiếm 65%). Thị trường hiện có trên 80 thương nhân kinh doanh khí LPG có nhãn hiệu, khoảng 200 tổng đại lý LPG và 13.000 cửa hàng bán LPG chai. Gas là sản phẩm có nguy cơ cháy, nổ rất cao. Do vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào bình gas, đăng ký nhãn hiệu, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định định kỳ theo quy định và phải chịu trách nhiệm về an toàn khi sử dụng bình gas. Tuy nhiên, theo ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, vấn đề đáng quan tâm hiện nay vẫn là tình trạng sang chiết gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, đưa ra thị trường.
"Thực trạng này làm thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, Nhà nước thất thu thuế, đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ... Thậm chí, các thương hiệu nổi tiếng như Shell gas, Total gas, BP gas, Thăng Long gas phải thu gọn lại, hoặc rút khỏi thị trường Việt Nam do tình trạng gian lận thương mại”, ông Trần Trọng Hữu chia sẻ.
Thời gian qua, việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh gas đã đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng ổn định thị trường. Cụ thể, trong năm 2017, nhiều vụ vi phạm lớn đã được các ngành chức năng phát hiện, kiểm tra, thu giữ hàng nghìn bình gas được sản xuất, bị chiếm dụng trái phép và được xử lý theo quy định của pháp luật. Điển hình như các vụ việc xảy ra ở Khu công nghiệp Yên phong Bắc Ninh, vụ Hải Dương gas, gas Phúc Khang ở Hòa Bình...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xử lý các vỏ bình gas tịch thu của mỗi lực lượng, mỗi địa phương lại khác nhau. Thậm chí, cùng một hành vi vi phạm, có vụ việc bị xử lý hình sự, có vụ việc sau khi xử phạt vi phạm hành chính vỏ bình bị tịch thu được trả lại cho chính đối tượng vi phạm, bán đấu giá, hoặc đem tiêu hủy. Tình trạng này đã hạn chế hiệu quả, hiệu lực của pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas.
Để quản lý thị trường tốt hơn, ông Trần Hữu Tuấn, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Công ty Alttek Global JSC (chuyên kinh doanh khí gas) cho rằng, có thể áp dụng các công cụ truy xuất nguồn gốc, các mã điện tử sản phẩm để quản lý từ khâu xuất nhập hàng đại lý đến các sản phẩm bán lẻ. Qua đây, người tiêu dùng có thể kiểm tra đơn giản, nhanh chóng.
Theo ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cần phải có những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn nơi chiết nạp, kênh phân phối, bám sát thị trường, tố cáo với cơ quan chức năng những doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật; cần ban hành quy định về xử lý trách nhiệm hình sự một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas; có chế tài xử phạt nặng để răn đe, hạn chế tái phạm tình trạng sang chiết trái phép dù chỉ là một chai gas. Đồng thời, cần có sự hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền để thống nhất cách xử lý những vi phạm, tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... về hoạt động kinh doanh LPG.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.