Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý hàng mỹ phẩm

Thanh Hiền| 31/03/2015 07:29

(HNM) - Theo thống kê của các ngành chức năng, trên thị trường hiện có đến hơn 50% sản phẩm mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng. Tình trạng nhập lậu mỹ phẩm ngày càng gia tăng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe do mỹ phẩm giả gây ra đối với người tiêu dùng.


Liên tiếp phát hiện nhiều vụ mỹ phẩm giả

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của Hà Nội liên tiếp phát hiện nhiều vụ nhập lậu mỹ phẩm lớn và cơ sở sản xuất mỹ phẩm kém chất lượng. Từ phản ánh của người tiêu dùng về mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm giả, chất lượng kém trên thị trường thời gian qua, ngày 28-3, Đội QLTT số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm thuộc Công ty TNHH Xuân Thủy tại các địa chỉ số 18 và số 29 phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng); số 86 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy); số 368 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân); số 38 Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội). Qua kiểm đếm ban đầu, Đội QLTT số 14 đã tạm giữ hơn 100.000 sản phẩm mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất được chia làm ba loại: Không có nhãn mác, có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa và chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ. Hàng hóa được công ty nhập nguyên lô từ nước ngoài, sau đó tự sang chiết để bán ra thị trường. Đây là mặt hàng mỹ phẩm nên những sản phẩm giả mạo xuất xứ, hoặc tự ý sang chiết chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Nếu nhẹ thì viêm nhiễm da, bít lỗ chân lông; nặng hơn có thể gây rối loạn sắc tố da rất khó điều trị. Nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến người mang thai, có thể gây ra quái thai, hại gan, thận… Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 14 cho biết, sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên địa bàn thành phố, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm. Trong một số trường hợp cần thiết sẽ phân tích mẫu hàm lượng độc tố trong hàng giả để xử lý nghiêm, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua và sử dụng mỹ phẩm. Ảnh: Xuân Thảo



Trước đó, đoàn liên ngành gồm Đội QLTT số 5 (Chi cục QLTT Hà Nội), Công an quận Hai Bà Trưng và Phòng Bảo vệ chính trị 4 (Công an Hà Nội) đã phát hiện và thu giữ hơn 2 tấn mỹ phẩm gồm các loại sữa tắm, muối tắm trắng, dầu gội đầu, mỹ phẩm… không rõ chất lượng tại số nhà 27, ngõ 40 Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành đã thu giữ được nhiều nguyên liệu, vỏ hộp, nhãn mác và cả máy dập hạn sử dụng mà cơ sở này sử dụng để biến sản phẩm tự chế thành các nhãn hiệu Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đáng lo ngại, chủ cơ sở khai nhận, số mỹ phẩm trên được bán cho các đại lý, cơ sở làm đẹp trên địa bàn Hà Nội. Vì vậy, sau khi làm rõ các hành vi vi phạm, đoàn liên ngành sẽ tiếp tục mở rộng kiểm tra các đầu mối tiêu thụ số mỹ phẩm trên của cơ sở này.

Đưa mỹ phẩm vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện

Theo Chi cục QLTT Hà Nội, tình hình buôn bán, vận chuyển mỹ phẩm nhập lậu trên tuyến biên giới đường bộ diễn biến phức tạp, do lợi nhuận của các mặt hàng này rất cao, khoảng 30-40%, trong khi nhu cầu làm đẹp của "phái đẹp", thậm chí cả "phái mạnh" ngày càng tăng. Riêng trong năm 2014, các đơn vị QLTT đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 164.804 sản phẩm mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm nhập lậu, sản phẩm không rõ nguồn gốc được tuồn vào thị trường Việt Nam. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để vận chuyển mỹ phẩm nhập lậu về Việt Nam, trà trộn hàng giả, hàng nhái với hàng chính hãng, hoặc lấy danh nghĩa hàng xách tay để tiêu thụ. Thậm chí, mỹ phẩm giả còn có cả tem dán chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), tem chính hãng khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt. Mặt khác, việc xử lý các vụ vận chuyển, kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính với mức phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, việc xử lý về chất lượng còn gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng…

Bên cạnh đó, theo đại diện Cục Quản lý dược, mặc dù Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm đã chỉ rõ, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm phải có giấy phép đăng ký kinh doanh; phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (đó là có đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên môn đáp ứng tiêu chuẩn trên, có hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng đầy đủ, xây dựng nhà xưởng…); khi đưa bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào ra thị trường, sản phẩm phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm… Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ quản lý được các loại mỹ phẩm có công bố và được cơ quan chức năng cấp phép, còn mỹ phẩm trôi nổi, mỹ phẩm giả thì rất khó kiểm soát về chất lượng. Vì vậy, các cơ quan chức năng kiến nghị, trong Luật Đầu tư sửa đổi tới đây, cần đưa mỹ phẩm vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Khi đó, việc sản xuất mỹ phẩm sẽ được kiểm soát chặt hơn cả về công bố sản phẩm, thành phần sản phẩm, cơ sở sản xuất...

Trước những nguy cơ, ảnh hưởng từ mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng đến sức khỏe người tiêu dùng, Chi cục QLTT Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu giả, nhái các thương hiệu; tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu, bán buôn mặt hàng này, đẩy mạnh công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, để phòng ngừa nguy cơ dị ứng, nhiễm trùng da do mỹ phẩm gây ra, các chuyên gia về da liễu khuyến cáo "phái đẹp" không nên lạm dụng mỹ phẩm trong làm đẹp, tuyệt đối không sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đã quá hạn sử dụng. Trong quá trình sử dụng, khi thấy da có biểu hiện của việc dị ứng phải ngừng sử dụng ngay và rửa sạch da nhiều lần bằng nước sạch. Đồng thời, cần nâng cao hiểu biết trong việc lựa chọn mỹ phẩm, chọn cơ sở mua mỹ phẩm tin cậy, tránh để xảy ra những tác hại đáng tiếc từ mỹ phẩm giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý hàng mỹ phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.