Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặn hóa, mỹ phẩm giả trên mạng xã hội

Lam Giang| 19/03/2023 06:20

(HNM) - Kem làm trắng da, kem chống nắng, nước hoa, sữa tắm, dầu gội, thuốc bổ não, thuốc giảm cân… nhiều loại hóa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Dù nhiều kho hàng “khủng” bị phát hiện, các lực lượng chức năng đã “mạnh tay” kiểm tra, xử lý song vấn nạn này vẫn diễn biến phức tạp đòi hỏi phải có những giải pháp mới và đồng bộ hơn nữa.

Cán bộ Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn người dân phân biệt hàng giả - hàng thật tại phòng trưng bày hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Bảo Trung

Bắt giữ nhiều kho hàng “khủng”

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều kho hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng “khủng”, không rõ nguồn gốc.

Điển hình là ngày 23-2, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng, kiểm tra và phát hiện tại một căn hộ chung cư ở quận Hoàng Mai gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng không rõ xuất xứ cùng gần 1 tấn bao bì tem nhãn. Toàn bộ số thuốc này đựng trong các túi lớn. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) Hoàng Đại Nghĩa cho biết, các đối tượng sử dụng căn hộ chung cư cao cấp có khâu an ninh được kiểm soát chặt chẽ làm điểm tập kết hàng hóa. Cách thức giao dịch rất tinh vi, thường xuyên thay đổi điểm chứa hàng hóa để tránh sự chú ý của người dân và cơ quan chức năng.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả mạo các thương hiệu. Ngoài ra, lực lượng chức năng kiểm tra 2 địa điểm kinh doanh trên địa bàn phường 12 và phường 9 quận Gò Vấp, thu giữ hơn 6.000 sản phẩm dầu gió, tẩy tế bào chết, dầu xả bưởi, kem dưỡng thể, kem dưỡng da... và hơn 30.000 tuýp, chai là sản phẩm khử mùi, lột mụn, nước hoa, xịt chống nắng… không rõ xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa gần 3 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, hóa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, do đó có nguy cơ bị làm giả rất nhiều. Nhất là từ khi mạng xã hội trở thành kênh bán hàng phổ biến, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện và chuyển cơ quan công an hàng trăm vụ việc vi phạm liên quan đến hóa, mỹ phẩm, với số lượng lớn.

Ngay trong ngày 10-3, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiêu hủy khoảng 15 tấn hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc... bị thu giữ từ giữa năm 2022 đến nay. Tổng trị giá số hàng này gần 8,5 tỷ đồng, trong đó có 2.745kg sản phẩm thực phẩm chức năng, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, dầu gội đầu, sữa tắm, nước hoa…

“Vạch mặt” hàng giả

Dù rất tích cực vào cuộc, kiểm tra, xử lý hàng loạt vụ việc liên quan tới sản xuất, kinh doanh, làm giả hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng song theo các cơ quan chức năng việc kiểm soát vi phạm này không dễ dàng do hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.

Cùng với đó, một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý việc bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và phát hiện, ngăn chặn hàng nhái, hàng giả. Thực tế này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, triển khai các giải pháp mới và đồng bộ hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc quản lý hoạt động kinh doanh hóa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đặc biệt là trên môi trường mạng.

Ông Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng quản lý thị trường xác định hóa phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm liên quan đến sức khỏe của người dân, vì vậy là mặt hàng chính trong chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Còn Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền cho hay, Cục sẽ tiếp tục rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin với các đơn vị liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm.

Mở phòng trưng bày hàng giả - hàng thật là một trong những giải pháp mới, được Tổng cục Quản lý thị trường triển khai từ cuối tháng 11-2021 đến nay, bước đầu đem đến hiệu quả tích cực. Hàng chục chương trình đã được tổ chức, trưng bày hàng nghìn sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao và được ưa chuộng trên thị trường nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện hàng giả và giảm rủi ro trong mua sắm.

Ngay đầu tháng 3-2023, phòng trưng bày đã thực hiện chuyên đề “Nhận diện hóa - mỹ phẩm trên thị trường” với hơn 500 sản phẩm của hơn 30 nhãn hiệu. Đây là các sản phẩm dầu gội đầu, sữa tắm, nước hoa, thực phẩm chức năng, sản phẩm dưỡng da, làm đẹp… đã được lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ trong thời gian qua. Tham quan phòng trưng bày, chị Nguyễn Kim Dung (ở phố Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Nếu không có sản phẩm thật để so sánh, tôi rất khó để phân biệt và rất dễ mua phải hàng giả. Qua đây tôi đã tự trang bị kiến thức để tránh mua phải hàng giả, hàng vi phạm”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chặn hóa, mỹ phẩm giả trên mạng xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.