Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý bến bãi trung chuyển vật liệu

Ánh Dương| 07/10/2020 06:20

(HNM) - Thời gian qua, hoạt động của các bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng không phép, trái phép vẫn hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ đê, kè, thoát lũ... Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 4700/UBND-KT, ngày 24-9-2020, yêu cầu các sở, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, siết chặt quản lý việc sử dụng đất ngoài bãi sông bảo đảm đúng mục đích; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm...

Các điểm kinh doanh cát, sỏi hoạt động tự phát ven sông Công (xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Trung Nguyên

Chưa xử lý rốt ráo các vi phạm

Hiện, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 9 bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, đều hoạt động không phép, thuộc các xã: Bắc Phú, Kim Lũ, Trung Giã... Tại xã Trung Giã, dù bãi trung chuyển ven sông Công thuộc thôn Sông Công không có trong quy hoạch, nhưng các điểm kinh doanh cát, sỏi tại đây hoạt động khá nhộn nhịp. Ông Vũ Văn Đông, một trong số chủ bãi ở thôn Sông Công giãi bày, do kinh tế cả gia đình chỉ trông vào bến bãi, nên gia đình mong được tiếp tục duy trì hoạt động. Chủ tịch UBND xã Trung Giã Đinh Văn Thọ thừa nhận, địa phương mới xử phạt hành chính, chưa quyết liệt giải tỏa bến bãi vi phạm.

Tương tự, huyện Ba Vì có 6/19 điểm kinh doanh bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông Hồng, sông Đà không nằm trong quy hoạch. Huyện đã chỉ đạo các xã phải chấm dứt hoạt động, giải tỏa vật liệu xây dựng trước ngày 25-8-2020. Tuy nhiên, các điểm tập kết này vẫn tiếp tục hoạt động.

Đáng lo ngại hơn, một số chủ bến bãi đã xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến đê, kè và dòng chảy thoát lũ. Tại xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ), có 2 chủ bến bãi lấy lý do mực nước thấp, khó bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, vật liệu từ sông lên bến trung chuyển, nên đã đổ hàng trăm mét khối đất đá, xây những mố cầu dài hàng chục mét nằm trong phạm vi bảo vệ kè Phương Độ.

Tương tự, huyện Đông Anh có 4 điểm trung chuyển vật liệu, huyện Đan Phượng có 4 bến bãi không đáp ứng đầy đủ tiêu chí quy định, hoạt động trái phép, nhưng đều chưa giải tỏa xong.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Hà, đối với đất ven sông, chính quyền địa phương và nhiều sở, ngành cùng tham gia quản lý, như: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải… Tuy nhiên, trên thực tế, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa thường xuyên, liên tục, nên chưa xử lý hiệu quả các vi phạm.

Tăng cường phối hợp kiểm tra, giải quyết dứt điểm

Điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông Đuống, địa bàn xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định. Ảnh: Nguyễn Văn

Theo thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), trên địa bàn Hà Nội hiện có 188 bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động, nằm ven các sông: Hồng, Đà, Đuống…, nhưng có tới hơn 150 bãi hoạt động không phép, trái phép.

Từ thực tế đó, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất ngoài bãi sông bảo đảm đúng mục đích; kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác bến bãi…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, từ năm 2019 đến nay, Sở đã triển khai 8 đoàn kiểm tra việc giải tỏa các bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông hoạt động không phép, trái phép, nhưng chưa giải quyết được dứt điểm các vi phạm. Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm tồn tại.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, những trường hợp xây công trình trong hành lang bảo vệ kè Phương Độ (xã Sen Phương) đã tự tháo dỡ 80% vi phạm, lực lượng chức năng đang đôn đốc giải tỏa dứt điểm.

Còn Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh thông tin, huyện đang tập trung xử lý bến bãi vi phạm và phối hợp với các sở, ngành liên quan thống nhất, đề xuất phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Để chấm dứt hoạt động của các bến bãi trái phép, không phép, các cơ quan chức năng thành phố, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, vào cuộc quyết liệt hơn, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm kéo dài, ảnh hưởng đến đê, kè và dòng chảy thoát lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý bến bãi trung chuyển vật liệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.