Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý

Đỗ Quỳnh Chi| 18/03/2017 06:40

(HNM) - Cùng với cả nước, TP Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch “Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017”. Mục tiêu chính của kế hoạch là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP); giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất,


Việc có một kế hoạch bài bản, nghiêm túc trong thời điểm vấn đề ATTP đang rất “nóng”, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng đến giống nòi, là cần thiết. Nhưng với thực tế ở Hà Nội, để vơi bớt nỗi lo mất ATTP thì câu chuyện “đưa kế hoạch vào đời sống” một cách hiệu quả cần những giải pháp kiên trì và rất nghiêm minh trong xử lý vi phạm.

Rõ nhất là dù có vùng nông thôn rộng lớn nhưng đến nay Hà Nội mới tự đáp ứng được 60% lượng thực phẩm từ gia súc, gia cầm, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác hoặc nhập khẩu. Từ đây cũng bộc lộ vấn đề hiệu quả quản lý về ATTP từ khâu sản xuất đến bàn ăn còn quá nhiều yếu kém. Lý do chính được đưa ra thường là thiếu nhân lực, kinh phí và chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ... Trong khi đó, một bộ phận tư thương, người dân vì hám lợi đã cho gia súc, gia cầm “ngậm” hóa chất cấm; các loại rau “tắm” trong thuốc bảo vệ thực vật không được phép…

Thực tế này cho thấy, để xử lý tận gốc vấn đề, việc phối hợp liên ngành của thành phố, phối hợp với các cơ quan trung ương, với các địa phương cung cấp sản phẩm nông nghiệp về Hà Nội rất quan trọng. Đặc biệt, ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín, bảo đảm ATTP thì nhất thiết phải siết lại khâu quản lý cả trong sản xuất và cung cấp thực phẩm.

Với sản xuất - đó là cần tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng cây, con giống, vật tư, hóa chất... sử dụng trong nuôi, trồng, cũng như trong các khâu công việc liên quan. Còn trong phân phối, cung cấp - cần quán triệt tinh thần của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại hội nghị Ban Chỉ đạo Công tác ATTP TP Hà Nội ngày 9-3, tại các chợ đầu mối phải làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý chợ gắn với việc đầu tư các chợ đầu mối đạt tiêu chuẩn. Đối với chợ cóc, chợ tạm, phải tăng cường kiểm tra và treo biển công khai thông báo những nơi không bảo đảm ATTP để người tiêu dùng rõ. Chính quyền cơ sở cần kiên quyết cấm những chợ không bảo đảm điều kiện vệ sinh mà vẫn kinh doanh thực phẩm tươi sống. Những việc này phải được triển khai quyết liệt, rõ từng công việc và gắn với trách nhiệm cụ thể của các cá nhân được giao thực thi.

Ngoài ra, vì nguồn gốc vi phạm ATTP tại những điểm giết mổ thủ công là rất lớn nên cũng phải có kế hoạch giảm dần hàng năm số điểm giết mổ nhỏ lẻ. Quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện vi phạm cần kiên quyết rút giấy phép, kể cả rút giấy phép vĩnh viễn, nhất là với các trường hợp không đủ đạo đức kinh doanh, không để kéo dài tình trạng “phạt rút kinh nghiệm”.

Các cơ quan tư pháp cũng cần quyết liệt, xử lý nghiêm hơn những vụ việc liên quan đến ATTP. Bộ luật Hình sự hiện hành đã có quy định cụ thể việc truy tố người sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn”. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, cơ quan điều tra các cấp mới chỉ khởi tố hình sự được 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP. Rõ ràng, càng nhỏ tới cấp cơ sở, nhận thức, trách nhiệm về vấn đề này càng giảm là thực tế khó phủ nhận.

Tuy vậy, hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc, tình hình mất ATTP nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng sẽ có sự chuyển biến tích cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.