(HNM) - Đảng bộ TP Hà Nội đang quyết tâm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố.
Với trên 36 vạn đảng viên, Đảng bộ thành phố có vị trí, vai trò trọng yếu đối với kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Chính vì vậy, yêu cầu tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao trách nhiệm đảng viên đang là yêu cầu cấp thiết.
Đảng bộ TP Hà Nội được TƯ đánh giá cao về công tác giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Ba năm qua, Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp đã tiến hành hoạt động và thi hành kỷ luật đối với 2.573 đảng viên, trong đó có hàng trăm cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật do có hành vi tiêu cực, lợi dụng chức vụ để trục lợi.
Tuy nhiên, tình trạng đảng viên chưa tuân thủ nghiêm kỷ cương, kỷ luật vẫn diễn ra. Điều này đã và đang tác động tiêu cực đối với năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng nói riêng và thành tích của thành phố nói chung. Theo nhận xét của Thành ủy Hà Nội, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng và tinh thần trách nhiệm của một số đảng viên chưa cao; còn có cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực. Phân tích của Ban Tổ chức Thành ủy chỉ ra rằng, một số cơ quan, đơn vị chưa chấp hành tốt các kết luận của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy.
Những hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực hiện nay của thành phố có vai trò, trách nhiệm không nhỏ của đội ngũ đảng viên thuộc Đảng bộ thành phố. Tình trạng đảng viên là cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân, nhất là trong các khâu làm thủ tục về thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, thẩm định hồ sơ… vẫn xảy ra. Lĩnh vực nhiều thành tựu nổi bật như xây dựng nông thôn mới vẫn có những sai phạm do lỗi của đảng viên. Trên nhiều lĩnh vực khác, những phần việc do đảng viên đảm trách cũng còn hạn chế tồn tại, ngay cả với đảng viên giữ những vị trí đứng đầu. Đơn cử mới đây nhất là kết quả 3 tháng thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014". Điểm chung trong đánh giá của nhiều cấp, nhiều ngành là trách nhiệm người đứng đầu của nhiều quận, huyện, phường, xã, thị trấn còn thiếu sót. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ ra rằng: Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm chính về những yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị phụ trách.
Cũng liên quan đến việc thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014", đang tồn tại hiện tượng đảng viên thiếu trách nhiệm, không làm tốt vai trò gương mẫu, tự giác thi hành. Lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện phản ánh, không ít gia đình cán bộ, đảng viên, công chức… vi phạm trật tự và văn minh đô thị. Nhiều gia đình đảng viên làm kinh doanh còn bày bán hàng hóa lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị. Giám đốc CATP Hà Nội còn chỉ ra tình trạng cần phải được ngăn chặn là đảng viên, cán bộ công chức la cà hàng quán vi phạm các quy định về trật tự và văn minh đô thị. Một số trường hợp còn vi phạm giờ làm việc gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.
Kết quả xử lý kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra các cấp ủy được nêu ra mới nhắm vào các đối tượng có dấu hiệu vi phạm khá rõ ràng. Nhưng ngay cả biện pháp này cũng cần được cải thiện thêm. Ghi nhận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thời gian qua cho thấy, công tác kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm chưa được tiến hành thường xuyên. Việc kiểm tra cấp ủy viên cùng cấp có biểu hiện vi phạm còn hạn chế; có trường hợp vi phạm kỷ luật nhưng cấp ủy địa phương chậm xử lý, điều chuyển, thay thế. Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong đảng, nhất là làm sao nêu cao tinh thần gương mẫu của đảng viên đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ, đặc biệt phải thực hiện ráo riết ngay từ cơ sở.
Hiện nay, các tổ chức đảng cơ sở đang đồng thời thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Đây là điều kiện rất tốt để siết chặt kỷ cương, kỷ luật đối với đảng viên gắn với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của thành phố. Tuy nhiên, sự ràng buộc trách nhiệm đối với cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy hiện nay cần được bổ sung, làm rõ hơn. Không phải vô cớ lại có đề xuất thành phố ban hành quyết định cấm đảng viên, cán bộ, công chức la cà hàng quán trong giờ làm việc nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối. Đây là đề xuất xuất phát từ một thực tế là nhiều cấp ủy cơ sở dường như vẫn thiếu những "cú hích" để siết chặt hơn nữa kỷ cương, kỷ luật đối với đảng viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.