Theo dõi Báo Hànộimới trên

Seoul - Thành phố không ngủ

Mai Chi| 11/11/2015 11:25

(HNMO) - “Pali pali” – nghĩa là “nhanh lên” - không chỉ đơn thuần là một từ diễn tả cảm xúc hay được sử dụng ở Seoul. Đây chính là cách mà cuộc sống tại thành phố này diễn ra.



Thủ đô của Hàn Quốc có một nhịp sống chóng mặt, đánh bật hầu hết những thành phố được coi là bận rộn nhất thế giới. Nơi đây luôn đặt sự phục vụ, đức tính chăm chỉ và công việc lên hàng đầu.

Ruchika Sahai – người đã chuyển từ Sydney, Úc đến sống tại Seoul được 2 năm - bộc bạch: “Đây là thành phố nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng nhất trong những nơi mà tôi từng đến. Cuộc sống ở New York hay Tokyo cũng không thể sánh được.” Thời làm việc có khi kéo dài đến 10 giờ tối và kể cả sau đó, thành phố với hơn 10 triệu dân này cũng không hề có phút giây nghỉ ngơi. Thậm chí bên ngoài những con phố hiện đại, các khu chợ đen cũng hoạt động với một nhịp độ chóng mặt.

Mặc dù có một cuộc sống vô cùng bận rộn và hối hả, những người dân địa phương vẫn giữ được sự thân thiện, cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết. “Dân Seoul thường tự ví mình như người Ý của phương Đông, và họ tự hào về điều đó. Họ là những người rất đơn giản, thân thiện và không ngại thể hiện cảm xúc”.

Nhịp sống hối hả thường thấy tại Seoul.



Nơi đây cũng tràn đầy nguồn năng lượng sáng tạo, thôi thúc sự đổi mới trong âm nhạc, công nghệ và thời trang, đồng thời góp phần tạo nên một trong những nền kinh tế vững mạnh nhất thế giới.

Taylor Evans – một sinh viên Mỹ đang học tập tại trường đại học Kookmin, Seoul - chia sẻ: “Hàn Quốc đang hướng đến một bước đột phá tiếp theo, sau những điều lớn lao mà họ đã từng làm được. Các doanh nghiệp nhỏ ở Hàn Quốc đang tận dụng chính thách thức này để lôi kéo khách hàng và áp dụng những phương thức vô cùng sáng tạo.

Việc kinh doanh tại Seoul luôn được vận hành theo những cách rất mới mẻ và độc đáo: Bạn có thể xem các chương trình truyền hình thực tế tại một quán cà phê; tiệm làm đầu kết hợp với quán trà; quán bar dán thực đơn trên những pin bowling. Mỗi ngày đều có thể trở thành một cuộc hành trình mới”.

Bạn thuộc kiểu nào?


Sahai giải thích, có 2 kiểu người nước ngoài sinh sống tại Seoul. Những người mong muốn có cảm giác thoải mái như ở nhà, và những người thích trải nghiệm cuộc sống của một người dân bản địa thực thụ.

Quận Itaewon nằm ở phía Nam khu buôn bán là một khu vực rất quen thuộc với những người thuộc kiểu thứ nhất, với rất nhiều hàng tạp hóa và nhà hàng cung cấp các dịch vụ, sản phẩm từ nhiều nơi trên thế giới.

Sahai sống tại Seoungbuk-dong, phía Đông Bắc khu buôn bán. Khu vực này cũng khá nổi tiếng với người nước ngoài, nhưng là về khía cạnh văn hóa, với nhiều triển lãm nghệ thuật, các cửa hàng thời trang và những ngôi nhà hanok (nhà ở với kiến trúc truyền thống của Hàn Quốc). Yeonhui-dong, ở phía Tây khu buôn bán, rất gần với trường quốc tế, do đó khá phù hợp với những người nước ngoài sinh sống cùng gia đình. Trong khi đó, các gia đình nói tiếng Pháp thường sống gần khu Bangbae ở phía Nam, nơi có trường Pháp ngữ.


Evans rất tâm đắc với khu HapJeong, gần sông Hàn ở phía Đông khu buôn bán. Nơi này khá gần với khu nghệ thuật và các trường đại học ở Hongdae, nhưng lại không quá ồn ào và náo nhiệt. “Khu vực này rất đẹp, độc đáo, với những quán cà phê và cửa hàng mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở nơi nào khác tại Seoul”.

Nơi ở


Hầu hết người dân địa phương sống trong những khu chung cư cao tầng của thành phố. Chi phí tại đây hợp lý hơn so với nhà riêng, đồng thời cung cấp đầy đủ các dịch vụ 24/7 như khám chữa bệnh, cửa hàng tạp hóa – rất phù hợp với phong cách sống của người dân thủ đô.

Nhà riêng thường phổ biến hơn ở những khu vực có nhiều người nước ngoài sinh sống như Itaewon, Seongbukdong, Yeonhui-dong và Bangbae.

Đi đâu?

Sân bay quốc tế Incheon tại Seoul sẽ giúp du khách dễ dàng di chuyển đến những thành phố thủ đô khác ở châu Á, và giá vé chỉ chưa đến 350.000 won (khoảng 6,8 triệu đồng).

Thậm chí chính sân bay này cũng là một điểm thu hút với du lịch. Tất cả những gì hấp dẫn nhất đều được “đóng gói” vào khuôn viên sân bay - khu trượt băng, sân gôn, spa, và thậm chí là cả bảo tàng.

Hệ thống tàu điện ngầm hiện đại của Seoul cũng giúp cho việc di chuyển trong thành phố và sang các khu vực lân cận trở nên rất thuận tiện. Thành phố Suwon, chỉ cách Seoul 1 giờ di chuyển bằng tàu điện ngầm, là một trong những thành phố lâu đời nhất của Hàn Quốc. Được xây dựng vào năm 1794, pháo đài Hwaseong tại Suwon chính là hình ảnh thu nhỏ của thời kỳ chiến tranh trong lịch sử.

Xa hơn một chút, Busan – thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc – tràn đầy năng lượng của một thành phố biển và lễ hội. Nằm cách Seoul 325km về phía Đông Nam, du khách cần khoảng 2,5 tiếng di chuyển bằng tàu hỏa hoặc 4 tiếng với ô tô.

Giá cả ra sao?

Mặc dù có mức giá sinh hoạt khá cao so với nhiều thủ đô khác của châu Á, nhưng nếu xét về điều kiện sống mà nơi này mang lại, đặc biệt là về mặt giao thông, thì các chi phí đó đều rất hợp lý. Giá vé tàu điện ngầm và xe buýt chỉ mất 1.350 won (khoảng 25 ngàn đồng), và bạn sẽ không mất phí khi chuyển bến. Phí taxi cũng khá phải chăng, chỉ 11.560 won (khoảng 220 ngàn đồng) cho quãng đường 8km.

Người dân địa phương thường xuyên sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển trong thành phố.


Tương tự, chi phí thuê nhà cũng chỉ bằng một nửa so với những khu căn hộ tương tự tại New York hay London. Chỉ với 2,3 triệu won (khoảng 45 triệu đồng), bạn đã có thể thuê một căn hộ 85 m2 ngay giữa thủ đô Seoul.

Thêm vào đó, nếu mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều khoản bởi giá cả ở đây rẻ hơn nhiều so với những siêu thị lớn.

“Thứ duy nhất mà tôi thấy khá đắt đỏ là cà phê. Tôi thậm chí còn không muốn tính toán xem mình đã chi bao nhiêu cho việc mua cà phê tại Hàn Quốc”. Evans chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Seoul - Thành phố không ngủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.