(HNMO) - Chiều 16-6, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt các phóng viên, biên tập viên nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023). Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng chủ trì cuộc họp báo.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng khẳng định, thời gian qua, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và trong những thành công của Bộ Nội vụ luôn có sự đóng góp tích cực, quan trọng của hệ thống báo chí. Bộ Nội vụ luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ của các phóng viên…
Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thông tin về kết quả nổi bật công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Bộ Nội vụ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định; 9 Thông tư…
Trong quý III-2023, Bộ Nội vụ sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm. Trong đó, tập trung hoàn thiện 7 Nghị định trình Chính phủ xem xét, ban hành bảo đảm tiến độ, chất lượng, gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022; Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định quy định về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về hướng dẫn việc lấy kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính…
Trả lời câu hỏi của báo chí về dự thảo nghị định Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Nguyễn Tuấn Ninh cho biết, Vụ đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng dự thảo về nghị định này, tổ chức các cuộc hội thảo ở 3 miền, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học. Đây là vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm nên Bộ cũng đã lấy ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ đã hoàn thiện dự thảo nghị định, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trên cơ sở đó, Vụ Công chức, viên chức tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định.
“Để nghị định đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vì vậy, chúng tôi đang tính sẽ triển khai theo hướng lập hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình của kỳ họp Quốc hội trên tinh thần sẽ xây dựng nghị quyết thí điểm về Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung", ông Nguyễn Tuấn Ninh nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi báo chí quan tâm về việc giảm số lượng bộ, cơ quan ngang bộ, thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức, biên chế (Bộ Nội vụ) Trần Văn Khiêm cho biết, việc xây dựng đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XVI phải trên cơ sở tổng kết 20 năm cơ cấu Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV và báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi Chính phủ trình Quốc hội theo quy định. Hiện, Vụ đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ và đã trình dự thảo.
Thông tin thêm về nội dung này, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, cho biết: “Đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Phải đánh giá, tổng kết cơ cấu Chính phủ qua 20 năm thực hiện, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương để tham mưu cho Chính phủ, cấp thẩm quyền, từ đó, tiến tới cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ XVI”.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tặng Bằng khen cho 10 phóng viên có thành tích trong việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền với Bộ Nội vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.