Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Sở GTVT cùng nhóm nghiên cứu về phương án xây dựng cầu vượt lắp ghép kết cấu thép tại 2 nút ngã tư gồm nút giao giữa đường Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà và đường Láng Hạ; và ngã tư giao giữa đường Thái Hà - Chùa Bộc và đường Tây Sơn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Sở GTVT cùng nhóm nghiên cứu về phương án xây dựng cầu vượt lắp ghép kết cấu thép tại hai nút ngã tư gồm nút giao giữa đường Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà và đường Láng Hạ; và ngã tư giao giữa đường Thái Hà - Chùa Bộc và đường Tây Sơn. Dự kiến, cuối tháng 10, đầu tháng 11, phương án chính thức sẽ được Sở GTVT Hà Nội trình thành phố và Chính Phủ.
120 ngày/1 cây cầu vượt nhẹ
Đại diện Nhóm nghiên cứu phương án, PGS. Tiến Sỹ Phạm Huy Khang nhấn mạnh, theo kinh nghiệm từ Nhật Bản cầu vượt nhẹ được làm hoàn toàn bằng thép, móng cọc vít thi công ép xoắn, số cọc ít đi, giá thành có cao hơn, nhưng đặc điểm thi công nhanh, sau khi không dùng nữa có thể tháo ra.
Từ kinh nghiệm thực tế xây dựng cầu vượt cho người đi bộ nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Giao thông vận tải dùng kết cấu thép an toàn, và chỉ lắp một đêm là xong, chúng ta nên áp dụng cho cầu vượt nhẹ xe cơ giới tại hai nút trên. Đáng chú ý, việc xây dựng các cây cầu vượt nhẹ này sẽ không ảnh hưởng đến nhà dân, không phải giải phóng mặt bằng. Cũng theo thiết kế, vị trí mặt bằng cầu ở hai nút trên sẽ theo hướng ưu tiên của đường.
Tại nút Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ tuyến ưu tiên sẽ làm cầu theo Đường Láng Hạ; nút Chùa Bộc - Sơn Tây sẽ theo hướng Đường Sơn Tây. Như vậy với phương tiện hiện nay trong vòng 4 tháng là có thể thi công xong cầu với chiều dài 300m. Giá thành dự tính khoảng 150 tỷ đồng.
Phương án thiết kế cầu vượt lắp ghép kết cấu thép dự kiến xây thí điểm tại Hà Nội.
Song PGS. Tiến Sỹ Phạm Huy Khang thừa nhận, đây là giải pháp tức thời chứ không phải lâu dài. Chưa khẳng định thời gian tồn tại và bền vững là bao lâu, nhưng chắc chắn không phải vĩnh cửu.
Dựng cầu phải đảm bảo yếu tố an toàn, mỹ quan
Đại diện Vụ kết cầu hạ tầng Bộ GTVT đưa ra ý kiến: Thực tế độ dốc 4% là dành cho xe đạp, ôtô là 8%. Nếu thiết kế cầu mà tăng độ dốc để giảm chiều dài thì khi xe lên dốc sẽ tạo tiếng ồn và gia tăng ô nhiễm, nếu giảm trong khoảng 6%-7% như cầu Thăng Long sẽ hợp lý. Cầu không làm cho xe tải trọng nặng và xe buýt lưu thông nên chỉ cần rộng 9m là vừa.
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) ông Trần Ngọc Thành thì cho rằng cầu lắp ghép là để giải quyết vấn đề tình thế trong khi ta không đủ điều kiện xây cầu kiên cố. Tuy nhiên, đất dành cho người đi bộ phải giải tỏa, trả cho người đi bộ, không nên tính đến phương án xén hè, bớt phần đường của người đi bộ.
Tổng Giám Đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải cũng nêu quan điểm: Công trình này hoàn thành cũng không thể giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc. Đường trong trung tâm Thủ đô rất nhiều ngã tư, nếu lắp cầu mà đưa mặt cắt 12m, giải quyết được ùn tắc tại nút đấy thì sẽ dẫn đến tắc điểm ra vào cửa ngõ. Vị này đề xuất, ở đường Tây Sơn, hai phần đầu cầu chạy bên dưới phải đảm bảo 9m, nếu nhỏ hơn sẽ ùn tắc và không có đường cho xe rẽ phải...
Sau khi nghe các chuyên gia góp ý, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng, đề nghị tổ tư vấn nghiên cứu thiết kế cầu theo hướng chiều rộng 9m, tĩnh không 4,5m trở lại. Độ dốc tối đa là 6% và tối thiểu 5%. Kiến trúc đảm bảo cảnh quan, có thể tô vẽ cho thanh thoát chứ không thể đem một khối thép đặt giữa Thủ đô...
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng: Đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm cầu vượt lắp ghép tại nút Giảng Võ - Đê La Thành và ô chợ Dừa
Thứ trưởng yêu cầu phải tính toán kỹ để giảm giá thành; đồng thời yêu cầu Sở GTVT phải xây dựng phương án tổ chức giao thông ngay, không thì giải quyết xong ùn tắc ở đường này lại ùn ở nơi khác như vành đai 1, triển lãm giảng võ. Đặc biệt khi thi công, trong thành phố phải tính từng mét xén vỉa hè, lòng đường, chứ không thể tùy tiện. Thứ trưởng cũng đề nghị bổ sung thêm nút Giảng Võ - Đê La Thành và Ô chợ Dừa, nếu không sẽ ùn tắc hết. Tại nút giao có nhiều ngã rẽ, có thể làm cầu vượt tách ra làm hai, mặt cắt cầu 4m, có thể dùng cọc ép bê tông như móng nhà dân để thi công không ồn ào. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.