(HNMO) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Minh bạch thu phí dự án BOT giao thông” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 20-5.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng phí qua các trạm BOT đang ở mức cao, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, nhiều trạm có khoảng cách quá gần, không bảo đảm yêu cầu.
Về vấn đề này, đại diện Bộ GT-VT cho rằng, khi xây dựng mức phí BOT, Bộ GT-VT đã rà soát và xin ý kiến nhiều bộ ngành, địa phương. Trong phương án tài chính của các dự án BOT được hình thành trên 2 nguồn vốn là chủ sở hữu của nhà đầu tư là 15-20% còn lại là vốn vay ngân hàng. Toàn bộ phương án đó nếu tính toán cân đối được thường các dự án hoàn vốn được thấp nhất 15 năm, cao nhất 25 năm. Mức phí đưa ra dựa trên cân đối thu nhập người dân và khu vực.
Trước đây, các dự án thu phí hoàn vốn đồng loạt khoảng 10.000 đồng/xe tiêu chuẩn. Hiện nay, mức giá tối thiểu là 20.000-25.000 đồng/xe tiêu chuẩn, trên cơ sở đó đã làm việc với Bộ Tài chính, cộng thêm lãi suất ngân hàng… Bộ Tài chính cũng đưa ra mức giá trần từ 20.000-52.000 đồng/xe tiêu chuẩn, căn cứ vào thị trường để đưa ra lộ trình tăng phí hợp lý.
Về khoảng cách, Bộ GT-VT đã cho rà soát lại tất cả các trạm BOT trên cả nước, điều chuyển về vị trí mới. Trong 71 trạm đang và sắp đưa vào hoạt động, 60 trạm cơ bản đáp ứng, 11 trạm còn lại xem xét nhập lại để giảm bớt khoảng cách. Ngay trong tuần tới, Bộ GT-VT và Bộ Tài chính sẽ ngồi lại để rà soát lộ trình tăng phí và thời gian thu phí để giảm bớt áp lực tăng phí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.