(HNM) - Năm 2013 đã đánh dấu bước tăng trưởng mạnh về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 22 tỷ USD, tức gần gấp đôi so với chỉ tiêu từ đầu năm. Một số chuyên gia cho rằng,
Sản xuất máy in phun tại Công ty Canon Việt Nam. Ảnh: Ngọc Linh |
Mục tiêu trung và dài hạn của Việt Nam những năm tới vẫn là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ nhà đầu tư. Kết quả do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố cho thấy Việt Nam đã tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2013-2014, xếp thứ 70/148 quốc gia trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, kết quả nói trên cũng không phải là sự bảo đảm, có tính chất lâu dài, lại càng không thể chủ quan.
Để chủ động đón dòng vốn ngoại, công tác xúc tiến ĐTNN sẽ được thực hiện trên diện rộng, kết hợp từ cấp vĩ mô đến các địa phương, khu vực hoặc hiệp hội ngành hàng để bảo đảm tính linh hoạt, tránh chồng chéo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Trong khi Việt Nam đạt tiến bộ trong cải thiện môi trường đầu tư thì các nước khác cũng không "đứng yên", thậm chí có thể chuyển biến nhanh hơn để cạnh tranh thu hút vốn nên phải ý thức rằng nâng cao năng lực cạnh tranh là mục đích không có điểm dừng. Do đó, nếu không tiếp tục cải cách mạnh, đúng hướng thì Việt Nam vẫn có nguy cơ tụt hậu. |
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi với lãnh đạo Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) để tăng tốc độ triển khai giai đoạn 5 của "Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản", trong đó tập trung thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp giữa DN hai nước. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất và đáp ứng kịp thời các nhu cầu đầu tư của DN Nhật Bản. Chính phủ Việt Nam xác định, Nhật Bản đang và sẽ là nhà đầu tư hàng đầu, là nguồn cấp vốn quan trọng cũng như có đóng góp to lớn đối với công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam. Trong một động thái khác, đoàn DN nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực chế biến, cơ khí, dệt may tỉnh Ehime (Nhật Bản) vừa có chuyến thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định: Việt Nam là điểm đến phù hợp của các DN tỉnh này nhằm thực hiện chiến lược tái cơ cấu địa bàn đầu tư, tận dụng được lợi thế nhân công giá rẻ và vị trí địa lý thuận lợi cho sản xuất phục vụ xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Dự kiến, UBND một số địa phương giàu tiềm năng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… cũng sẽ thực hiện những đợt công tác xúc tiến đầu tư ở Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Châu Á để khai thác tối đa thế mạnh về vốn, công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của DN tại các khu vực này. Đặc biệt, DN Hoa Kỳ sẽ được giới thiệu, mời gọi đầu tư vào một số dự án quy mô lớn thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, năng lượng và dịch vụ tổng hợp. Mặt khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chủ động rà soát các chính sách, quy định nhằm đúc rút kinh nghiệm trong hoạt động quản lý, nhân lên những điển hình và bài học thành công; khắc phục tồn tại kết hợp phòng tránh rủi ro trong quá trình thu hút và sử dụng vốn ĐTNN. Cùng với đó, chính quyền các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, kiểm tra kỹ tiến độ triển khai dự án ĐTNN trên địa bàn để hối thúc nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các cam kết; phòng tránh nạn "nhận chỗ" rồi để đấy. Trong trường hợp cần thiết, UBND các địa phương sẵn sàng rút giấy phép với chủ dự án chậm triển khai mà không có lý do chính đáng; từ đó nâng cao uy tín môi trường đầu tư cũng như bảo đảm tính công bằng và dành cơ hội cho nhà đầu tư đến sau có đủ năng lực và quyết tâm…
Như vậy, vấn đề đặt ra là cải thiện môi trường đầu tư, "gọi" dòng vốn ngoại một cách hiệu quả phải bắt đầu từ những quan điểm và hành động cụ thể. Làm được như vậy sẽ không lo khó thu hút vốn ĐTNN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.