(HNMO) - Đăng đàn Quốc hội sáng 20/11, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã giải trình về các vấn đề liên quan đến tổ chức biên chế, chất lượng công chức, tuyển công chức theo tinh thần đảm bảo nâng cao chất lượng bộ máy; việc quản lý nhà nước với các tổ chức Hội.
Trước khi đi vào trả lời chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, từ sau kỳ họp thứ 5 đến trước kỳ họp thứ 6, Bộ đã nhận được 62 ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội và đã nghiên cứu, trả lời tất cả các chất vấn này, đồng thời từ khi khai mạc kỳ họp thứ 6 đến nay, Bộ nhận được 11 ý kiến chất vấn và Bộ đã, đang, sẽ nghiên cứu trả lời tất cả các ý kiến này.
Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu Lù Thị Lừu, Danh Út, Điểu Huỳnh Sang quan tâm đến việc hỗ trợ chế độ công vụ, chính sách cho cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số chưa đồng đều, thiếu thống nhất.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị Bộ trưởng trả lời các con số liên quan đến cán bộ công chức chưa qua đào tạo và không làm được việc, thực hư ra sao? Luật cán bộ công chức, viên chức chưa có đủ văn bản hướng dẫn, nhất là về quy định đánh giá cán bộ. Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng như thế nào?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị làm rõ việc thực hiện tinh giản bộ máy cán bộ công chức không đạt được kết quả như mong muốn.
Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, về chế độ tiền lương, công vụ, đề án cải cách tiền lương, chế độ công vụ, bảo hiểm xã hội đã được xây dựng nhưng do khó khăn về ngân sách, kinh tế nên phải chia lộ trình thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình. |
Về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng cho biết, các chính sách cho đồng bào dân tộc rất toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Nhưng tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã chưa theo mong muốn của Đảng và Nhà nước. Bộ sẽ nghiên cứu đưa vào mảng chính sách đào tạo nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước hiện thực hóa.
Qua khảo sát thực tế ở các địa phương, Bộ trưởng cũng nhận thấy, việc bố trí công việc cho những người dân tộc thiểu số được đào tạo qua cử tuyển, xét tuyển còn có bất cập. Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban dân tộc có hướng dẫn bố trí công việc cho các đối tượng được xét tuyển, cử tuyển là người dân tộc thiểu số trong thời gian tới, đồng thời bổ sung hoàn thiện các tiêu chí địa bàn đáp ứng được yêu cầu, nguyện vong của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số mong muốn được cử tuyển, xét tuyển theo chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
Về việc ban hành các văn bản hướng dẫn luật, Bộ trưởng cho biết, đến nay, Bộ đã ban hành 11 thông tư hướng dẫn thi hành Luật cán bộ công chức. Riêng Luật viên chức, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành 4 nghị định và Bộ đã ban hành 4 thông tư hướng dẫn. Nhưng do phạm vi điều chỉnh rộng, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ hoặc chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về dư luận quanh số lượng khoảng 30% cán bộ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ là không nhỏ, Bộ trưởng cho biết, trong cuộc họp tổng kết của ngành nội vụ năm 2012, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đề cập đến dư luận về vấn đề này chứ không phải đó là ý kiến của Phó thủ tướng. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, đây là những phản ảnh, kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn phải đổi mới, cải cách công vụ, công chức nhiều hơn, đi kèm với đó là các biện pháp tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ để tìm được “tiếng nói chung” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ đã có đề án cải cách tổng thể về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, công vụ; qua đó bổ sung hoàn thiện quy định ngạch công chức, viên chức; phương thức, tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, viên chức hàng năm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.
Về thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công-viên chức, Bộ trưởng cho biết, đây là chủ trương lớn đã thực hiện nhiều năm qua. Thống kê số liệu trong quá trình thực hiện việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cho thấy, biên chế công chức năm 2007 là hơn 228.000 người, đến năm 2012 là 274.000, tăng khoảng 15,09%; biên chế viên chức năm 2007 là hơn 1,4 triệu người, đến năm 2012 tăng thêm 25,59%; năm 2013 thì đội ngũ công chức không tăng nhưng viên chức đang được xem xét cân đối.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân tăng biên chế trong các năm qua chủ yếu là tăng cho các đơn vị mới được thành lập hoặc các dơn vị cũ nhưng được bổ sung chức năng, nhiệm vụ hoặc những đơn vị đã có cần tăng nhân lực để đảm bảo nhiệm vụ được giao. Biên chế tăng chủ yếu thuộc lĩnh vực môi trường, đất đai, biển, hải đảo, du lịch, ngoại vụ, dân số kế hoạch hóa gia đình, quản lý thị trường; thanh tra giao thông, thuế, hải quan, kiểm lâm, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dự phòng, quản lý dược… Bộ trưởng cũng cho biết thêm, từ năm 2013, phân cấp biên chế đã được giao về các địa phương, bộ, ngành, Bộ nội vụ chỉ quản lý công chức trong các đơn vị hành chính.
Để thực hiện việc tinh giản biên chế, trước mắt từ nay đến năm 2016, Chính phủ cơ bản không tăng thêm biên chế công chức, không tăng số lượng viên chức, trừ trường hợp thành lập mới các đơn vị, cơ quan hoặc phát sinh nhiệm vụ mới; thống nhất đầu mối quản lý về biên chế; xác định vị trí việc làm để bố trí đội ngũ công chức, viên chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức từng cơ quan, đơn vị, địa phương, bộ, ngành; xây dựng đề án tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức trình trong quý 4 năm 2013; đẩy mạnh xã hội hóa việc cung ứng dịch vụ công; thực hiện cơ chế khoán, tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các đơn vị hành chính Nhà nước và sự nghiệp công lập…
Liên quan đến việc tuyển dụng công-viên chức nặng về bằng cấp, nội dung, chất lượng thi tuyển còn nhiều vấn đề, Bộ trưởng cho biết, theo quy định, người được tuyển dụng phải đạt được các tiêu chuẩn về chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Gần đây, việc tuyển dụng đã được đổi mới, trong đó hướng tới thi công chức, viên chức trực tuyến trên máy vi tính, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương thi cử, thanh tra trước và sau thi để đảm bảo thi tuyển đạt chất lượng.
Các đại biểu Phạm Văn Hổ, Chu Sơn Hà, Trương Thị Ánh trở lại với vấn đề về chất lượng, tinh giản bộ máy. Theo các đại biểu, thời gian qua, ở các bộ, ngành trung ương thành lập quá nhiều tổng cục, cục, tăng thêm quá nhiều các tầng lớp trung gian và số cán bộ, công chức không làm được việc thực tế như thế nào? Có hiện tượng tham nhũng trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ hay không? Làm thế nào để hạn chế thấp nhất tình trạng cán bộ suy thoái, tiêu cực, không làm tròn nhiệm vụ?
Về quản lý Hội, các đại biểu Lê Đắc Lâm, Huỳnh Văn Tính băn khoăn việc các cán bộ được điều động, phân công làm công tác hội không được hưởng chế độ công vụ.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, từ QH khóa 11 đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã giảm được 4; các cơ quan thuộc Chính phủ giảm được 8; cục và tương đương tăng 28; vụ và tương đương giảm 25; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh giảm được 2… Hiện nay, Chính phủ đang sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của 19/22 bộ, tiếp theo sẽ thực hiện tinh giản các cơ quan, tổ chức bên trong các Bộ, còn ở các địa phương cũng đang tổng kết, đánh giá bộ máy, trước mắt giữ ổn định như hiện nay.
Về giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề lớn, rộng. Chính phủ đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức từ nay đến 2015, đẩy mạnh cải cách hành chính từ thể chế, thủ tục hành chính, bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, cải cách hành chính công, hiện đại hóa nền hành chính… ; Tiếp tục đổi mới hoạt động của Chính phủ, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành đảm bảo một việc chỉ được giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính, khắc phục sự chồng chéo, bổ sung và hoàn thiện sự phân cấp giữa trung ương và địa phương; hoàn thiện bộ máy chính quyền cấp tỉnh, huyện theo hướng chỉ quy định khung, cơ bản giữ số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND xã, phường, thị trấn cho phù hợp; Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị này gắn với tăng cường quản lý, tăng cường strách nhiệm, thực hiện khoán kinh phí hoạt động; tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức…
Về trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, Chính phủ đã có quy định sửa đổi, bổ sung yêu cầu định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, đơn vị. Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định sửa đổi quy định việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; thay thế quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, từ chức với các chức danh lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh, tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý công chức, viên chức về các hành vi vi phạm pháp luật của công chức, viên chức; đổi mới chương trình đào tạo công chức viên chức; đổi mới phương pháp thi tuyển công chức, viên chức sang hướng thi trực tuyến, xây dựng ngân hàng đề thi để đảm bảo công bằng, khách quan, minh bạch.
Xung quanh dư luận về tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Bộ trưởng cho biết, những năm gần đây, qua các kỳ họp QH, hội nghị Trung ương, cá nhân Bộ trưởng và Bộ Nội vụ đặc biệt quan tâm vấn đề này. Bộ đã và đang tập trung đề ra các biện pháp, giải pháp để phòng chống tiêu cực, tham nhũng, đang trình Chính phủ xây dựng chỉ thị về phòng chống tiêu cực trong tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng để các đơn vị thực hiện.
Về số cán bộ quá tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng còn công tác, hiện diện thuộc Chính phủ quản lý thì từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay, cơ bản không còn trường hợp nào. Duy nhất trường hợp một tổng giám đốc của một tổng cty có kéo dài tuổi công tác thêm 1 năm nhưng tới 31/12 này sẽ được về nghỉ.
Liên quan đến công tác Hội, Bộ trưởng cho biết, các thể chế cho công tác hội đến thời điểm này là tương đối hoàn thiện. Hiện đã có Ban chỉ đạo Trung ương nghiên cứu về hội quần chúng để cùng các bộ, ngành, địa phương đề ra các biện pháp, giải pháp khắc phục, đảm bảo tăng cường sự quản lý Nhà nước cũng như trách nhiệm của Hội trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Về chế độ, chính sách với cán bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ không chuyên trách ở các địa bàn này, Bộ đã nghiên cứu sửa đổi chế độ chính sách với những người hoạt động không chuyên trách và đang triển khai thực hiện, nếu thực hiện vướng thì Bộ sẽ giải đáp để thống nhất thực hiện được tốt.
Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Phạm Văn Tấn trở lại với vấn đề thi tuyển công chức, trong đó có việc thành lập ngân hàng đề thi đến nay chưa có, khi nào mở rộng việc thi tuyển trực tuyến qua máy tính?
Các đại biểu Nguyễn Văn Tiên, Trịnh Ngọc Thạch quan tâm đến giải pháp để đảm bảo đủ biên chế cho ngành thanh tra, thực hiện việc phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi…
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng cho biết, từ nay đến 2015, 100% các cơ quan Trung ương ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển công chức, ở địa phương là 70%. Bộ đang phối hợp các bộ, ngành chuẩn bị ngân hàng đề thi phục vụ cho đổi mới này.
Về thăng hạng chức danh nghề nghiệp, căn cứ các quy định hiện hành, các bộ chủ quản có đông viên chức như y tế, đào tạo phải chủ trì soạn thảo bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp với viên chức. Bộ nội vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện xây dựng các tiêu chuẩn này.
Để đảm bảo đội ngũ bộ máy phục vụ các chức năng nhà nước, Bộ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tiến hành mô tả công việc để xác định vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, có bố trí đội ngũ cho phù hợp, nếu thừa sẽ có điều động, luân chuyển, thiếu sẽ được bổ sung để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trở lại với con số cán bộ, công chức, viên chức không làm được việc, Bộ trưởng cho biết, dựa trên các quy định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, ở các bộ, cơ quan trung ương hàng năm đều có xem xét, đánh giá phân loại cán bộ công chức, viên chức và qua thống kê là 1%. Còn con số 30% là theo dư luận. Nhưng để xác định con số thực, Bộ trưởng sẽ kiểm tra và báo cáo với Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.