Phương án tổ chức lễ hội Đền Trần năm 2012 đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Theo đó, lễ hội Đền Trần sẽ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng theo truyền thống địa phương, bắt đầu phát ấn từ sáng 15 tháng Giêng và thời gian phát ấn bao lâu do tỉnh Nam Định quyết định.
Đây là thông tin được ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (VHNTVN), Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2011 sau 1 năm thực hiện Công điện 162/CĐ-TTg ngày 9/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ diễn ra hôm nay 28/12 tại Hà Nội.
Viện nghiên cứu VHNTVN là đơn vị được Bộ trưởng Bộ VHTTDL giao nhiệm vụ xây dựng Đề án mô hình lễ hội Đền Trần.
Ông Lương Hồng Quang cũng cho biết, phương án mà Viện đưa ra đã được lấy ý kiến và nhận được sự nhất trí của người dân địa phương và chính quyền sở tại Nam Định. Lễ hội sẽ được trả về cho dân, do đó lễ khai mạc Lễ hội Đền Trần sẽ không được tổ chức vào đêm phát ấn như mọi năm. Thay vào đó, tỉnh sẽ tổ chức lễ dâng hương từ sáng ngày 14 tháng Giêng. Ấn bắt đầu được phát từ sáng ngày 15 tháng Giêng và Viện đang đưa các phương án để tỉnh lựa chọn là “Phát trong vòng tháng Giêng, trong một tháng hay phát cả năm, thời gian bao lâu do tỉnh quyết định”.
Ông Lương Hồng Quang thông tin thêm ưu điểm của mô hình lễ hội do Viện đề xuất là khắc phục được tình trạng “bán ấn” khi tách việc công đức cùng thời điểm với lúc phát, nhận ấn… Viện đã làm việc với tỉnh và thành phố Nam Định về đề án này. Sắp tới, tỉnh Nam Định sẽ ban hành đề án và sẽ tiến hành đưa vào thực hiện trong mùa lễ hội năm 2012. Thời gian phát ấn, việc phân luồng địa điểm phát ấn… sẽ do tỉnh Nam Định quyết định để đảm bảo công tác tổ chức lễ hội phù hợp với địa phương.
Viện VHNT cho rằng lúc này, cần tổ chức một chiến dịch truyền thông để người dân địa phương và du khách hành hương nhận thức được giá trị thực của lá ấn.
Chiếc ấn được trao gần như được xem là một vật kỷ niệm, do đó phải tính đến hình thức như làm thêm nhiều quà lưu niệm khác nhau. Đó là “cách chúng ta sử dụng di sản truyền thống để phát triển du lịch”, ông Lương Hồng Quang nói.
Trong tháng 1/2012, Viện sẽ tổ chức họp báo thông báo cụ thể về Lễ hội này, đồng thời biên soạn sách hướng dẫn kèm theo. Theo phương án của Viện, điều kiện “cần và đủ” để tổ chức tốt lễ hội Đền Trần mùa tới, là tỉnh phải tính toán nâng cấp và tu sửa không gian tô chức lễ hội. Các phương án giải quyết an ninh trật tự, giao thông, an toàn thực phẩm, phòng chống thảm họa đều phải được lường trước.
Cũng tại hội nghị, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định cũng cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh có những biện pháp tăng cường công tác quản lý mùa lễ hội tới. Lễ hội khai ấn năm 2012, Sở đã bố trí 3 đoàn nghệ thuật của tỉnh công diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc ở tụ điểm tập trung đông du khách, nhằm kéo dãn lượng du khách tới khu vực phát ấn đền Trần… Bên cạnh đó, đại diện Sở Nam Định cho rằng, cần khôi phục lại những nghi lễ dân gian trong Lễ hội Đền Trần như lễ tế cá, múa bài bông…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.