(HNM) -
ASIAD 17 được tổ chức tại Incheon - Hàn Quốc từ ngày 19-9 đến 4-10 với sự tham gia của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh tài ở 439 nội dung thuộc 36 môn thể thao. Đoàn TTVN tham dự 21 môn thi đấu với mục tiêu là giành từ 2-3 HCV trở lên, phấn đấu xếp thứ hạng từ 15 đến 20. Kết quả chung cuộc, đoàn TTVN giành 36 huy chương (1 HCV, 10 HCB, 25 HCĐ), xếp thứ 21 trong tổng số 45 đoàn dự ASIAD 17.
VĐV trẻ Quách Thị Lan giành huy chương bạc cho đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 17. |
Giành tới 36 huy chương, nhưng chỉ có duy nhất 1 HCV, rõ ràng là bài toán "giành vàng" của TTVN "có vấn đề". Nói cách khác, VĐV các môn mũi nhọn của ta chưa thực sự đủ trình độ để chinh phục đỉnh cao nhất của đại hội thể thao lớn nhất châu lục. Như ở môn bắn súng, các xạ thủ Việt Nam giành tới 7 huy chương, trong đó có 2 HCB (1 HC đồng đội, 1 HC cá nhân) và 5 HCĐ (3 đồng đội, 2 cá nhân), nhưng lại không thể giành một tấm HCV như kỳ vọng. Taekwondo, vốn đặt mục tiêu giành 2-3 huy chương, trong đó có "vàng", rốt cuộc chỉ giành được 2 HCĐ ở hạng - 62kg (Phạm Thị Thu Hiền) và - 67kg (Hà Thị Nguyên). Karate, từng mang về tấm HCV duy nhất của đoàn TTVN tại ASIAD 16 - năm 2010, kỳ này chỉ giành được 1 HCB ở nội dung kata biểu diễn, do công của võ sĩ Hà Nội kỳ cựu Nguyễn Hoàng Ngân và 1 HCĐ ở hạng - 60kg đối kháng của Nguyễn Thanh Duy…
Trao thưởng hơn 1,3 tỷ đồng cho đoàn TTVN Trong chương trình trao thưởng sáng 30-10 tại Hà Nội, BTC đã tặng tổng cộng 1 tỷ 335 triệu đồng cho các VĐV. Cụ thể: VĐV giành HCV, HCB, HCĐ cá nhân ASIAD 17 được thưởng lần lượt là 50 triệu - 30 triệu - 15 triệu đồng. HCV đồng đội - 100 triệu đồng, HCB đồng đội - 60 triệu đồng, HCĐ đồng đội 30 triệu đồng. VĐV giành HCV, HCB, HCĐ ASIAN Para Games 2-2014 được thưởng lần lượt theo mức 20 triệu - 15 triệu - 10 triệu đồng; 40 triệu - 30 triệu - 20 triệu đồng/HC đồng đội. |
Có chút tiếc nuối, bởi TTVN đã có thể hoàn thành chỉ tiêu HCV đề ra nếu VĐV điền kinh Hà Nội Bùi Thị Thu Thảo không để tuột HCV nhảy xa ở phút cuối, sau 5 lần nhảy hết sức thành công. Tuy nhiên, tại đại hội, một số VĐV đã có được những tấm HCB, HCĐ vô cùng quý giá, tiêu biểu nhất là HCB chạy 400m của Quách Thị Lan - một VĐV rất trẻ và đang vào độ phát triển thành tích. Hay 1 HCB, 3 HCĐ của đội tuyển thể dục dụng cụ, trong đó có những VĐV rất trẻ, như Đặng Nam (HCĐ vòng treo) và Đinh Phương Thành (HCĐ xà kép). Và, không thể không kể đến HCB thuyền nhẹ nữ 4 người của nhóm VĐV Lê Thị An - Phạm Thị Huệ - Phạm Thị Thảo - Phạm Thị Hài ở môn đua thuyền rowing, hay 2 HCĐ của Nguyễn Thị Ánh Viên ở môn bơi lội.
Việc TTVN không hoàn thành chỉ tiêu “vàng” cho thấy còn "có vấn đề" về công tác dự báo huy chương, cũng như đặt ra câu hỏi rằng chúng ta đã đầu tư thực sự đúng người, đúng trọng điểm hay chưa? ASIAD 17 cho thấy những Ánh Viên, Thu Thảo, Quách Thị Lan… đều còn rất trẻ, nếu được duy trì đầu tư xứng đáng, họ hoàn toàn có thể làm nên chuyện ở ASIAD 18 - năm 2019. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là các nhà quản lý cần sớm xây dựng kế hoạch đầu tư cho các hạt nhân có khả năng giành "vàng" thực sự. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành cho biết: "Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL về đầu tư chương trình mục tiêu, sau khi tính toán và đánh giá lại toàn bộ yêu cầu phát triển của thể thao trong giai đoạn mới, ngành dự kiến xây dựng chương trình mục tiêu của mảng thể thao gồm 3 tiểu dự án. Một là đào tạo VĐV đỉnh cao của 5 môn thể thao cơ bản, bao gồm điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, bắn súng, cử tạ và thêm một số VĐV xuất sắc ở một vài môn khác; danh sách VĐV trọng điểm nhắm đến chinh phục thành tích cao tại ASIAD và Olympic vào khoảng 20 người. Hai là đào tạo VĐV trẻ, dự kiến, ngoài chế độ thường xuyên cho các môn, ngành sẽ đầu tư đặc biệt cho VĐV của 17-18 môn nhằm tạo lực lượng kế cận cho TTVN ở các đấu trường lớn. Ba là đào tạo HLV, chuyên gia, bác sĩ cấp cao. Đó là hướng đầu tư đồng bộ nhằm mục tiêu phát triển thể thao bền vững".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.