(HNMO) - Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thích hợp đối với việc lưu thông tiền kim loại.
Đây là một phần nội dung trả lời của Thống đốc NHNN về kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII được đăng trên website của NHNN.
Trước đề nghị của cư tri tỉnh Kiên Giang về việc Chính phủ có giải pháp thích hợp hơn để việc sử dụng đồng tiền xu có hiệu quả như đồng tiền giấy, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, những hạn chế của tiền kim loại trong lưu thông đã được Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp phù hợp. Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã dừng việc phát hành thêm tiền kim loại và đang phối hợp với Viện hóa học, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam và các cơ quan liên quan đánh giá, nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng của đồng tiền kim loại.
“Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thích hợp đối với việc lưu thông tiền kim loại” - Thống đốc trả lời tại văn bản.
Liên quan đến chính sách tỷ giá, quản lý ngoại hối và vàng, trước đề nghị NHNN chủ động nắm bắt thị trường, điều chỉnh tỷ giá, không nên chạy theo thị trường tự do nhằm đạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển của cử tri tỉnh Phú Thọ, Thống đốc cho hay, theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối, tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Để ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo hài hòa các lợi ích của nền kinh tế, điều hành tỷ giá của NHNN được đặt trong mối quan hệ tổng thể với các cân đối vĩ mô và phải tính toán, xem xét đến các yếu tố, như diễn biến nhập siêu, cung cầu ngoại tệ, lãi suất, lạm phát, dự trữ ngoại hối...
Trong những năm qua, điều hành tỷ giá của NHNN bám sát tình hình thực tế và diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần khuyến khích xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức cao. Tuy nhiên, do nền kinh tế nước ta liên tục ở tình trạng nhập siêu khá lớn, cung cầu ngoại tệ nhiều thời điểm bị mất cân đối, cán cân thanh toán quốc tế bị thâm hụt, lạm phát luôn ở mức cao hơn so với các nước bạn hàng, tình trạng đô la hoá còn ở mức cao… nên việc ổn định tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ngoài một số thời điểm đồng Việt Nam tăng giá so với USD, còn lại xu hướng phổ biến vẫn là đồng Việt Nam giảm giá so với các đồng tiền khác, nhất là đồng USD.
Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý ngoại hối và thực hiện các giải pháp cần thiết để tổ chức, cá nhân, trước hết là tập đoàn kinh tế, bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua khi có nhu cầu hợp lý, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, bình ổn tỷ giá, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và tăng dự trữ ngoại hối.
Tiền xu được phát hành và lưu thông vào năm 2003. Tuy vậy, trong quá trình lưu thông, loại tiền này không được người dân ưa chuộng vì bị xỉn màu, dễ rơi |
Về đề nghị Chính phủ, NHNN sớm ban hành quy chế để các tổ chức, cá nhân phải thực hiện giao dịch bằng đồng tiền Việt Nam và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bình ổn giá USD phù hợp với xu thế chung, không để mất giá đồng tiền, bảo tồn nền văn hóa Việt Nam và tránh tình trạng đầu cơ, tích lũy của cử tri Tây Ninh, Tp.HCM, Hải Phòng, Đăk Lăk, Thống đốc trả lời, Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13/12/2005 quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối như sau: Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Quy định này đã được Chính phủ cụ thể hoá tại Điều 29 Nghị định 160 về Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối.
Trong những năm qua, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam và đã phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm trong lĩnh vực này, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường ngoại hối.
Để quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam và ổn định thị trường ngoại hối, thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, NHNN và các Bộ ngành liên quan đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế như: chuyển dần quan hệ huy động-cho vay sang quan hệ mua-bán ngoại tệ; hạn chế cho vay ngoại tệ, cho vay bằng VND để mua ngoại tệ thanh toán nhập khẩu với các mặt hàng thuộc danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu; nâng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong việc sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm…
Trước thắc mắc của cư tri thành phố Cần Thơ, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đăk Lăk về việc tại sao một nước xuất khẩu vàng lại có mức giá trong nước cao hơn thế giới khoảng 400.000đ/lượng và đề nghị Nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bình ổn giá vàng phù hợp với xu thế chung tránh tình trạng đầu cơ, tích luỹ, Thống đốc cho biết, từ năm 2009, giá vàng thế giới tăng mạnh và biến động rất phức tạp, khó dự đoán làm cho người dân lo ngại giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao nên có tâm lý mua vào để phòng ngừa rủi ro. Tâm lý của người dân cùng với yếu tố đầu cơ của một số tổ chức kinh doanh vàng (tạo sự khan hiếm giả tạo thông qua việc hạn chế bán ra) đã đẩy giá vàng trong nước tại một số thời điểm tăng nhanh hơn giá vàng thế giới.
Để ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng đầu cơ, tích luỹ, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp can thiệp mạnh, như chấm dứt hoạt động của các sàn giao dịch vàng trong nước và hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài; đang khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới…
"Những biện pháp này đã và đang làm giảm đáng kể tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng và làm cho giá vàng trong nước biến động phù hợp với biến động của giá vàng thế giới, góp phần ổn định thị trường vàng, ngoại tệ trong nước.” Người đứng đầu NHNN trả lời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.