Chiều 29-4, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số bộ, ngành liên quan về định hướng phát triển SCIC trong thời gian tới.
Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Chí Thành cho biết, vốn nhà nước được SCIC bảo toàn và phát triển, các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu đều tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Lũy kế từ khi thành lập đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty đạt trên 51.911 tỷ đồng, tổng tài sản theo báo cáo tài chính là 55.828 tỷ đồng, tổng tài sản theo giá thị trường đạt 146.512 tỷ đồng.
So với thời điểm thành lập, doanh thu của SCIC tăng gấp 46,8 lần, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 37,1 lần, vốn chủ sở hữu tăng gấp 14,2 lần, tổng tài sản tăng gấp 10,5 lần. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 13,1%/năm. Tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) bình quân 12,2%/năm.
Tuy nhiên, dù hoạt động đầu tư hiện hữu đạt hiệu quả rất cao nhưng hoạt động đầu tư mới còn hạn chế. Xét theo vị thế và tầm ảnh hưởng đem lại, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, hoạt động đầu tư mới trong thời gian qua của SCIC vẫn chưa thực sự phát huy được tiềm năng cũng như chưa đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ. Tổng số vốn đầu tư mới đạt trên 28.000 tỷ đồng trên quy mô tổng tài sản 146 nghìn tỷ đồng, do đó có thể nhận thấy vai trò của SCIC với tư cách nhà đầu tư của Chính phủ chưa rõ nét, chưa có tác động lan tỏa trong nền kinh tế.
Với mục tiêu trở thành “nhà đầu tư của Chính phủ”, hoạt động đầu tư đã, đang và sẽ là một trong hai lĩnh vực hoạt động kinh doanh cốt lõi, quyết định thành công của mô hình SCIC. Tổng công ty này định hướng chiến lược là nhà đầu tư tài chính, kết hợp sức mạnh tài chính với kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực quản lý, vận hành các dự án đầu tư của các đối tác. Lĩnh vực đầu tư là các lĩnh vực mà pháp luật không cấm, đem lại hiệu quả, trong đó giai đoạn 2020 – 2030 ưu tiên các ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế như công nghệ cao, kinh tế số, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án hạ tầng trọng điểm, tài chính ngân hàng…, đảm bảo đúng định hướng chiến lược của Đảng và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
Đa số ý kiến tại buổi làm việc tán thành với báo cáo đánh giá của SCIC và định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới, cho rằng, các đầu tư của SCIC hiện nay là động lực cho định hướng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, với mong muốn trở thành quỹ đầu tư trong nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, đây là vấn đề đại sự. Chuyển từ mô hình công ty quản lý sang quỹ đầu tư Chính phủ sẽ thay đổi nhiều nguyên tắc quản lý, đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn để đảm bảo hoạt động của SCIC với tư cách là cơ quan đại diện vốn của Nhà nước tại một số doanh nghiệp đạt hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, SCIC được thành lập với mục tiêu trở thành nhà đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, Tổng công ty đã tiếp nhận và đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ; tích tụ, tập trung vốn nhà nước để đầu tư vào các dự án có hiệu quả, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm giữ chi phối, qua đó tăng cường vai trò chủ đạo, định hướng của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế. Nếu phát triển đúng hướng, có chiến lược đúng, huy động được nhiều nguồn lực theo cơ chế thị trường thì SCIC có thể góp phần cùng với tập đoàn, tổng công ty của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tạo nên sức mạnh của kinh tế nhà nước, tạo cú hích, nguồn lực lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nền kinh tế thị trường có cạnh tranh.
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên SCIC trong thời gian qua, song Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, quy mô của SCIC còn nhỏ, phải tăng hơn nhiều mới có chiến lược tốt. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, SCIC cần tạo ra dư địa phát triển, tạo giá trị thăng dư, phát triển vốn mạnh hơn nữa, với định hướng chiến lược dài hơi trong 10 năm, tầm nhìn 20 năm.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý, nhiệm vụ của SCIC một mặt thực hiện chức năng xuyên suốt là đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước, nhưng cũng có phần chủ động trên tinh thần bảo toàn vốn và phát triển có hiệu quả theo cơ chế thị trường. SCIC không cạnh tranh với bên ngoài để làm những việc không cần thiết, thoái vốn khỏi những lĩnh vực kinh doanh thuần túy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không đi bán bia, bán rượu, nhưng cũng cần nhạy cảm với thị trường, có thể chủ động trong khuôn khổ Chính phủ cho phép để thực hiện đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước và chịu trách nhiệm trước Nhà nước, sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
“Thương vụ có thể thua, nhưng tổng thể phải thắng, bảo toàn vốn tổng thể. SCIC chọn lựa lĩnh vực để đầu tư, không cạnh tranh với tư nhân, làm những gì mà sinh lãi lớn, chớp thời cơ có thể làm được”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, SCIC phải phấn đấu trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ, bảo toàn được vốn và làm ăn có lãi. Phạm vi đầu tư theo quy định của pháp luật, trong đó chú trọng vào những lĩnh vực cốt lõi, có lợi thế, nghiên cứu đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ thông tin và các lĩnh vực chủ đạo của nhà nước như: Công nghệ cao (viễn thông, công nghệ thông tin...), kinh tế số (hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu...); năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...); các dự án hạ tầng trọng điểm (cảng hàng không, đường bộ, đường sắt...). Bên cạnh đó, SCIC cần đa dạng hóa và sử dụng linh hoạt các hình thức đầu tư tùy thuộc vào tính chất của từng khoản đầu tư và tình hình cụ thể, tuân thủ quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.