Theo dõi Báo Hànộimới trên

Saudi Arabia gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải: Bước đi cân bằng quan hệ

Quỳnh Dương| 01/04/2023 07:11

(HNM) - Nội các Saudi Arabia, ngày 29-3, đã thông qua quyết định trao cho quốc gia này tư cách đối tác đối thoại trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Đây là một bước đi quan trọng trước khi trở thành thành viên chính thức của liên minh chính trị, an ninh, kinh tế do Nga và Trung Quốc đóng vai trò trụ cột này, qua đó giúp Saudi Arabia cân bằng quan hệ của mình với các cường quốc thế giới.

Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud chủ trì cuộc họp nội các thông qua việc gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Việc Saudi Arabia gia nhập SCO diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Riyadh và Bắc Kinh ngày càng được củng cố, đặc biệt, sau chuyến thăm vốn được coi là để xác lập một “cột mốc” quan hệ mới của Chủ tịch Trung Quốc tới quốc gia Trung Đông này vào đầu tháng 12 năm ngoái. Trong chuyến thăm, hơn 20 thỏa thuận sơ bộ giữa hai nước trị giá hơn 29 tỷ USD đã được ký kết nhằm hiện thực hóa chương trình “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia và Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc.

Saudi Arabia đặt mục tiêu xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ với Trung Quốc để hỗ trợ thương mại và đầu tư. Vương quốc này là nước nhận đầu tư lớn nhất của Trung Quốc vào thế giới Arab từ năm 2005 đến năm 2020, chiếm hơn 20% tổng đầu tư của khu vực, trị giá 196,9 tỷ USD. Saudi Arabia hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) và cũng là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu toàn cầu cho Trung Quốc.

Trong khi đó, quan hệ đồng minh chiến lược giữa Saudi Arabia và Mỹ được thiết lập ngay khi Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc. Riyadh phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ quốc phòng và an ninh của Mỹ. Kể từ năm 2010, Chính phủ Mỹ đã thông qua các hợp đồng cung cấp vũ khí trị giá lên tới hơn 86 tỷ USD cho Saudi Arabia, trong đó có phi đội máy bay chiến đấu F-15, trực thăng chiến đấu Apache, tên lửa Patriot cùng các vũ khí tối tân khác.

Đến nay, cùng với 5 căn cứ quân sự, Mỹ hiện có khoảng 5.000 binh lính đóng quân tại Saudi Arabia. Ở chiều ngược lại, trong nhiều năm qua, Saudi Arabia luôn là khách hàng mua nhiều vũ khí của Mỹ nhất. Theo thống kê được công bố tháng 12-2022, mỗi ngày Mỹ nhập tới 500.000 thùng dầu thô từ đồng minh chiến lược này.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần sự ủng hộ của Riyadh trong tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông cũng như lập trường của nước này trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ Mỹ - Saudi Arabia gia tăng căng thẳng trong nhiều vấn đề, từ chính sách năng lượng đến an ninh khu vực và nhân quyền. Trong báo cáo tình báo về vụ cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm 2018 ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), chính quyền Mỹ khẳng định, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã cho phép tiến hành bắt cóc và sát hại.

Ngoài ra, cuối năm ngoái, bất chấp Mỹ tìm cách thuyết phục Riyadh không ủng hộ các quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu, song 13 nước thành viên OPEC và 10 nước đối tác do Nga dẫn đầu đã thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 11-2022 trong bối cảnh giá dầu giảm. Giá dầu tăng đồng nghĩa với việc Nga có thể nhận được sự hỗ trợ lớn về kinh tế từ tiền xuất khẩu mặt hàng này. Đây là điều mà Mỹ và nhiều nước phương Tây không mong muốn khi không ngừng tìm cách cô lập Mátxcơva liên quan tới vấn đề Ukraine.

Gia nhập SCO được cho là bước đi khôn ngoan của Saudi Arabia nhằm cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, đồng thời thể hiện chính sách ngoại giao đa phương để đa dạng hóa các mối liên kết lợi ích. Là một liên minh chính trị, an ninh, kinh tế của các quốc gia trên khắp lục địa Á - Âu, SCO được thành lập vào năm 2001 bởi Nga và Trung Quốc, đến nay đã có bước phát triển mạnh mẽ. SCO sẽ giúp Saudi Arabia tăng cường hợp tác và tiến vào những thị trường mà nước này bỏ trống trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Saudi Arabia gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải: Bước đi cân bằng quan hệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.