(HNM) - Khác với các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, sau Tết năm nay, giá rau xanh và một số mặt hàng thực phẩm tươi sống trên địa bàn Hà Nội đã nhanh chóng trở lại bình thường.
Sau Tết, giá rau xanh và thực phẩm tươi sống tại Hà Nội đã trở lại bình thường. Ảnh: Linh Tâm |
Tại nhiều chợ nội, ngoại thành Thủ đô, mặt hàng giảm giá nhanh và nhiều nhất trong những ngày này là các loại rau xanh, củ, quả. Một trong những nguyên nhân là do thời tiết ấm lên và yếu tố thời vụ khiến nguồn cung rau, củ ở Hà Nội đang dồi dào, giá giảm và chất lượng rau cũng tốt hơn so với dịp rét đậm, rét hại kéo dài trước Tết.
Hiện nay, giá rau xanh bán buôn ngay tại các vùng trồng rau thuộc ngoại ô thành phố giảm 20-30% so với thời điểm giáp Tết (tùy theo loại rau). Còn tại các chợ dân sinh khu vực nội thành, giá rau, củ, quả giảm 5-20% tùy theo chợ và chủng loại rau. Không chỉ rau xanh, sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, giá một số mặt hàng thủy sản tươi sống, thịt lợn,... cũng bắt đầu ổn định trở lại. Riêng gia cầm, giá giảm ít, theo dự báo có thể tăng cao trở lại trong dịp Rằm tháng Giêng, sau đó mới ổn định trở lại do nhu cầu tiêu thụ loại thực phẩm này vẫn còn cao trong những ngày đầu xuân năm mới và mùa lễ hội.
Bộ Công thương cho biết, tình hình cung cầu và giá cả thị trường 3 ngày Tết Nguyên đán Tân Mão nhìn chung là ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Thị trường Tết Tân Mão (năm 2011) sôi động hơn một vài năm trở lại đây do sự phục hồi của nền kinh tế, sức mua trên thị trường tăng khoảng 20-25% so với năm 2010. Ngoài ra, Tết Tân Mão có kỳ nghỉ dài nên nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng, nhu cầu vui chơi giải trí, du lịch đều tăng cao hơn so với năm 2010.
Tại các địa phương, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã cơ bản được chuẩn bị đủ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Các chương trình phục vụ Tết đã được các địa phương lên kế hoạch khá chu đáo từ trước để phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân. Nhiều địa phương đã thực hiện việc bán hàng bình ổn giá và tổ chức bán hàng phục vụ Tết, đặc biệt đối với các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại các địa phương đã đem lại hiệu ứng tích cực cho thị trường, nhất là tại các thành phố lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công thương, các chi cục quản lý thị trường địa phương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn, phân công trực tại chỗ những ngày nghỉ Tết, bố trí nhân lực ứng trực đến 22 giờ, 23 giờ đêm 30 Tết để đề phòng các biến động không có lợi của thị trường. Trong đó, công tác trọng tâm là giám sát hoạt động của các cửa hàng xăng dầu; kiểm tra, nhắc nhở các cửa hàng, điểm bán ở các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chú ý việc giám sát các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết như rượu bia, bánh, mứt, kẹo...
Cũng theo Bộ Công thương, nhằm bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh trong dịp nghỉ Tết Tân Mão, tại một số dự án trọng điểm, các hoạt động vẫn được duy trì, như hoạt động xây lắp ở các nhà máy Đạm Cà Mau, Xơ sợi tổng hợp Đình Vũ (Hải Phòng), Điện Vũng Áng, Nhơn Trạch 2, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn… Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sản xuất ổn định trong 3 ngày Tết với công suất đạt hơn 90%. Đạm Phú Mỹ sản xuất ổn định với sản lượng trong 3 ngày Tết đạt hơn 7.000 tấn phân urê. Điện Nhơn Trạch 2 đã hoàn thành chạy thử tin cậy vào ngày mùng Một Tết (ngày 3-2) và đưa tổ máy vào chế độ dự phòng theo yêu cầu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.