Nghị quyết và Cuộc sống

Sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính: Bài học từ thực tiễn Thủ đô

Nhóm phóng viên 27/11/2023 22:09

Từ thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính năm 2008 theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII đến nay, Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong sắp xếp tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng cán bộ; rà soát, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính.

cover1.jpg

Từ thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính năm 2008 theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII đến nay, Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong sắp xếp tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng cán bộ; rà soát, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính. Đây là tiền đề để không chỉ Hà Nội, mà cả các địa phương khác triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

line-thanh.jpg

BÀI 1

HÀ NỘI +...: NHỮNG NGÀY NÀY,
15 NĂM TRƯỚC...

Những ngày này hơn 15 năm trước, Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính với vô vàn khó khăn, thách thức, đặc biệt là công tác tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ. Nhưng với sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thành phố, nhiều lo lắng, băn khoăn đã dần được giải tỏa.

---

NHỮNG KHÓ KHĂN
CHƯA CÓ TIỀN LỆ

line-title.jpg

Thủ đô Hà Nội thời điểm được điều chỉnh địa giới hành chính (tháng 8-2008) có diện tích 3.328,89 km2 với dân số 6.230 nghìn người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Những ngày này cách đây hơn 15 năm, biết bao khó khăn, mới mẻ cùng với những băn khoăn, trăn trở, đặt ra khi Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội đón nhận, thực hiện nhiệm vụ trọng đại mà Đảng và Quốc hội giao cho với khối lượng công việc sau hợp nhất rất lớn, trong đó có những việc rất khó khăn và chưa có tiền lệ.

melinh.jpg
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, không gian tự nhiên và quy mô về đất đai của Hà Nội lớn hơn.

Về thuận lợi, sau khi mở rộng địa giới hành chính, không gian tự nhiên và quy mô về đất đai của thành phố lớn hơn nhiều trước đây; địa hình, địa chất đa dạng, rất thuận lợi cho quá trình đô thị hóa với quy mô lớn, hiện đại, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; các địa phương hợp nhất về Thủ đô đều là những nơi sẵn có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa - lịch sử lâu đời và làng nghề nổi tiếng trong cả nước.

Đây là những tiền đề rất quan trọng và là tiềm năng, cơ hội lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho Thủ đô. Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sâu sắc của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành trung ương; sự động viên và giúp đỡ to lớn của nhân dân cả nước.

xa-yen-binh-1.jpg
Nhiều xã phát triển sau khi sáp nhập với Hà Nội.

Tuy nhiên, sau điều chỉnh địa giới, thành phố có diện tích, dân số lớn và số lượng đơn vị hành chính tăng nhiều (tăng hơn 2 lần đơn vị cấp huyện); có không ít vùng đồi núi, xa trung tâm chưa phát triển, kết cấu dân cư có nhiều khác biệt (dân cư đô thị, nông thôn, miền núi và có đồng bào dân tộc thiểu số...).

Tình hình kinh tế - xã hội của phần lớn các huyện mới được hợp nhất về Hà Nội còn khó khăn, thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển; nhiều xã còn thiếu đường giao thông, nước hợp vệ sinh, thiếu điện, trong đó 4 xã sáp nhập từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình còn chưa có điện; chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới; công tác quy hoạch hầu như chưa được triển khai đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn khó khăn; nhiều huyện thu nhập bình quân năm 2008 dưới 10 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao trên 10% như Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Ba Vì, Quốc Oai, Thanh Oai...

Trong nhiều năm, địa giới hành chính giữa một số đơn vị của tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình còn có vướng mắc, phức tạp, chưa được thống nhất. Khối lượng công việc phải thực hiện sau hợp nhất là rất lớn, trong đó có những việc rất khó khăn và chưa có tiền lệ. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, các cơ chế, chính sách, quy mô, cấp độ, tính phức tạp trong quản lý nhà nước giữa các địa phương còn khác nhau, nhất là trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng, các quy hoạch chi tiết xây dựng... cần phải thống nhất lại.

.

NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG
SAU ĐIỀU CHỈNH

line-title.jpg

Ngay sau thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Hà Nội xác định công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, được tiến hành dân chủ, bài bản, công tâm và bảo đảm bộ máy vận hành thông suốt, hiệu quả.

mot-cua-hk.jpg
Công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy và cán bộ được Hà Nội thực hiện dân chủ, bài bản, công tâm.

Công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy của các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành thành phố được thành phố xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được tiến hành khẩn trương, bài bản, công tâm, khách quan với phương châm tiếp nhận nguyên trạng, sắp xếp theo hướng không gây xáo trộn, giữ vững sự ổn định; bảo đảm cả hệ thống chính trị vận hành thông suốt, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện theo đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương về công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy yêu cầu công việc, lợi ích của người dân và chất lượng cán bộ là thước đo khi bố trí cán bộ, tránh tư tưởng cục bộ địa phương.

Phương án bố trí cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được bàn bạc và thống nhất cao trong tập thể, giúp cho công tác bố trí, phân công công tác kịp thời đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng các đơn vị trực thuộc.

info-can-bo-hn.jpg

Sau hợp nhất (cuối năm 2008), Đảng bộ thành phố có 57 đảng bộ trực thuộc, 2.988 tổ chức cơ sở đảng với 314.670 đảng viên; đến nay, Đảng bộ thành phố là đảng bộ lớn nhất cả nước với 59 đảng bộ trực thuộc, 2.709 tổ chức cơ sở đảng và 429.119 đảng viên.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn (trước hợp nhất cả hai địa phương đều chưa có khu hành chính tập trung cấp tỉnh, thành phố), thành phố đã cố gắng sắp xếp, bố trí trụ sở cho các cơ quan bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả với tinh thần ưu tiên tạo thuận lợi cho tổ chức và nhân dân trong các giao dịch hành chính. Thành phố đã bố trí, sắp xếp phương tiện xe buýt đưa đón cán bộ, công chức, viên chức, góp phần giảm thiểu lượng xe tham gia giao thông trên tuyến đường chính từ Hà Đông vào trung tâm thành phố và ngược lại (thời gian từ tháng 8-2008 đến tháng 3-2017).

Từ cách làm trên của Hà Nội, có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu. Thứ nhất, phải xác định công tác cán bộ, chính sách cán bộ là đặc biệt quan trọng, tiêu chí hàng đầu của nhiệm vụ sắp xếp là phải giữ vững đoàn kết. Thứ hai, quá trình sắp xếp phải có lộ trình, bước đi, chắc chắn. Thứ ba, mỗi bước đi phải rõ căn cứ và gắn với nguyên tắc xuyên suốt là dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, đã đề ra nguyên tắc phải kiên quyết thực hiện. Thứ tư, phải linh hoạt, sáng tạo; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, xem xét hoàn cảnh cụ thể của cán bộ; theo dõi, đánh giá kịp thời tình hình, kết quả trước, trong và sau khi thực hiện sắp xếp.

Cũng từ đó, nhiều lo lắng, băn khoăn về sự thành công đặt ra trước và sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội dần được giải tỏa…

↓ XEM BÀI KẾ TIẾP ↓

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính: Bài học từ thực tiễn Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.