Nghị quyết và Cuộc sống

Bài 4: Thủ đô gương mẫu đi đầu

Nhóm phóng viên 27/11/2023 22:12

Nhìn lại cách làm và kết quả, Hà Nội thực sự là hình mẫu đi đầu, có giá trị tham khảo rất lớn cho các địa phương khác.

cover4.jpg

-

TỪ SẮP XẾP CẤP TRƯỞNG...

line-title.jpg

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, việc đầu tiên khi hợp nhất đơn vị hành chính là phải sắp xếp bộ máy và bố trí cán bộ. Ở thời thời điểm Hà Nội hợp nhất với Hà Tây, đây là việc cần thiết, quan trọng và cũng là khó khăn nhất.

ong-nghi.jpg

Cán bộ, công chức như “đầu não” của bộ máy, nếu hoạt động thì tất cả những cái khác mới vận hành trơn tru.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội
PHẠM QUANG NGHỊ

Xác định trên tinh thần đó, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây khi ấy đã sớm họp bàn và đi đến thống nhất về cách làm, lộ trình, cách thức sắp xếp cán bộ. Theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, trên cơ sở thống nhất đó, Trưởng ban Tổ chức hai tỉnh, thành lập danh sách cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy và Thành ủy quản lý; từ đó đưa ra phân tích, bàn bạc sắp xếp đối với từng vị trí.

Là người trực tiếp làm công tác tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy về công tác tổ chức cán bộ trong những ngày đầu Hà Nội hợp nhất, đồng chí Nguyễn Công Soái, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Phó Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đầu tiên của thành phố Hà Nội mở rộng thổ lộ, nhiệm vụ khó khăn nhất là chọn ai làm phó, ai làm trưởng.

Nhiệm vụ khó khăn nhất đối với chúng tôi là trong số 60-70 đồng chí giám đốc sở, ngành, hơn 10 đồng chí trưởng các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Tỉnh ủy thì chọn ai làm phó, ai làm trưởng.

Đồng chí NGUYỄN CÔNG SOÁI

Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đi đến thống nhất là phải xây dựng đề án sắp xếp lại cán bộ; đặc biệt là phải đề ra các nguyên tắc bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm. Nguyên tắc chỉ đạo của Thành ủy là đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy phải được sắp xếp theo hướng cố gắng để các đồng chí giữ được chức vụ cấp trưởng. Tuy nhiên, một số trường hợp cụ thể cần có giải pháp linh hoạt, hợp lý, hợp tình.

cong-bo-bo-may-hn-2008.jpg
Lễ công bố bộ máy lãnh đạo thành phố Hà Nội sau mở rộng, ngày 4-8-2008. Ảnh tư liệu: TTXVN

Đơn cử như hai Phó Bí thư Thành ủy là đồng chí Tưởng Phi Chiến và Nguyễn Công Soái kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; do đó, hai đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Trưởng ban Tổ chức của Thành ủy Hà Nội là các đồng chí Trần Trọng Dực và Nguyễn Văn Sửu chuyển xuống làm cấp phó; còn Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tây khi đó là đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc (nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố) được điều động làm Giám đốc Sở Nội vụ. Đồng chí Lại Hồng Khánh đang là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây tiếp tục làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội mới…

Đối với các Thành ủy viên, Ban Tổ chức Thành ủy cũng tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy một số nguyên tắc sắp xếp cụ thể. Sau khi các nguyên tắc được thông qua, Ban Tổ chức Thành ủy lập danh sách, điền tên dự kiến ai làm trưởng, ai làm phó gắn với lý giải cụ thể. Ví dụ đối với ngành Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cũ chưa là Thành ủy viên, nhưng Giám đốc Sở Tài chính Hà Tây lại là Thành ủy viên; vậy phải chọn ai? Chúng tôi chọn Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cũ tiếp tục làm Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội mới vì Sở Tài chính Hà Nội phải quản lý nguồn thu tài chính hằng năm lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, trong khi Sở Tài chính tỉnh Hà Tây chỉ phải quản lý con số vài nghìn tỷ đồng. Sau khi có danh sách cụ thể theo từng vị trí, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu để Ban Thường vụ Thành ủy bỏ phiếu kín, sau đó thống nhất thực hiện.

Nhờ cách làm như trên, việc sắp xếp cán bộ chủ chốt của thành phố Hà Nội cơ bản là ổn định.

nguyen-cong-soai-1.jpg

Anh em có tâm tư không? Có chứ. Nhưng cái chính là chúng tôi tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy có nguyên tắc, bảo đảm công khai, dân chủ, nên cán bộ không ai nghĩ phải có tác động này, tác động kia; chạy chỗ nọ, chạy chỗ kia...

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội NGUYỄN CÔNG SOÁI

-

ĐẾN SẮP XẾP CẤP PHÓ

line-title.jpg

Áp dụng cách làm bài bản từ kinh nghiệm sắp xếp cấp trưởng, Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo sắp xếp cấp phó. Vì số lượng cấp phó ở các sở, ban, ngành quá đông, Trung ương cho phép mỗi quận, huyện thêm 2 người: 1 Phó Bí thư, 1 Phó Chủ tịch UBND so với quy định. Khi hợp nhất, Hà Nội có 29 quận, huyện, nên có thêm 58 vị trí ở các quận, huyện để bố trí người về.

Thực hiện nhiệm vụ này, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội khi đó đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy một nguyên tắc là lựa chọn các đồng chí nam sinh từ năm 1955 và các đồng chí nữ sinh từ năm 1960 trở lại đưa vào diện luân chuyển. Khi rà soát hơn 900 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, Ban Tổ chức Thành ủy lọc được khoảng 150 đồng chí đưa vào danh sách. Tiếp theo, trong số các đồng chí này, Ban Tổ chức Thành ủy tiếp tục đề xuất ưu tiên luân chuyển đồng chí nào chưa kinh qua cơ sở, nên danh sách được thu gọn còn khoảng 120 người. Tiếp đến, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu thêm một nguyên tắc nữa là những đồng chí công tác ở các ban Đảng và đoàn thể sẽ điều chuyển về làm phó bí thư, những đồng chí ở sở, ngành thì giới thiệu về làm phó chủ tịch UBND.

Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy thông qua các nguyên tắc nói trên, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội tổng hợp lại rồi thông báo danh sách đến các sở, ngành và yêu cầu các đơn vị họp, nêu đề xuất với Thành ủy là luân chuyển ai. “Khó khăn xảy ra là hầu như không sở, ngành nào đề xuất cụ thể được theo yêu cầu này”, đồng chí Nguyễn Công Soái nói. Trước tình hình này, Ban Tổ chức Thành ủy có trách nhiệm phải đề xuất từng trường hợp, nên đã có công văn đề nghị các quận, huyện báo cáo đang thiếu phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực gì. Đây là căn cứ quan trọng để tham mưu đúng người, đúng vị trí.

Sau khi có danh sách cơ bản theo những tiêu chí, nguyên tắc như vậy, Ban Tổ chức Thành ủy thành lập 4 nhóm công tác đi gặp gỡ từng đồng chí để làm công tác tư tưởng. Sau khi gặp mặt xong, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng từng người, Ban Tổ chức Thành ủy báo cáo lại Thường trực Thành ủy giải quyết tiếp một bước theo hướng đáp ứng tối đa nguyện vọng của cán bộ.

ha-noi-full.jpg
Kết quả sắp xếp cán bộ thành công đã tạo động lực cho Thủ đô phát triển 15 năm qua.

Bằng cách làm từng bước chặt chẽ như vậy, Hà Nội khi đó đã thực hiện thành công 3 đợt luân chuyển cán bộ với hơn 100 đồng chí về các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị một cách đồng thuận, vui vẻ.

Nhìn tổng thể cả cuộc sắp xếp khổng lồ sau hợp nhất, thành công của Hà Nội là không có bất kỳ đơn thư khiếu kiện nào. Bộ máy hệ thống chính trị Hà Nội sau hợp nhất đã vận hành ngày càng trơn tru, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Ngoài ra, phải khẳng định rằng, kết quả sắp xếp cán bộ thành công, tạo động lực cho thành phố phát triển như ngày hôm nay quan trọng nhất là vì lãnh đạo thành phố thì gương mẫu, còn cán bộ thuộc diện sắp xếp - những người trong cuộc thì biết nghĩ vì cái chung. Nói như nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái là biết nhìn nhau, nhường nhịn nhau…

↓ XEM BÀI KẾ TIẾP ↓

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Thủ đô gương mẫu đi đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.