Nghị quyết và Cuộc sống

Bài 2: Không chỉ hợp nhất cơ học…

Nhóm phóng viên 27/11/2023 09:30

Sắp xếp bộ máy là khó khăn nhất trong thời điểm hợp nhất nhưng đã được Hà Nội thực hiện thành công.

cover2.jpg

-

CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ
PHẢI THEO KỊP YÊU CẦU

line-title.jpg

Thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính, số lượng cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội thành phố có quy mô hơn 100 nghìn người, chất lượng cán bộ không đồng đều, một số sở có quá nhiều cấp phó, việc tiếp tục phải sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ một lần nữa là khó khăn và thách thức rất lớn. Trụ sở làm việc của các cơ quan bị phân tán, có cơ quan phải hoạt động tại các địa điểm khác nhau…

Với trách nhiệm của những người đứng đầu thành phố lúc bấy giờ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm cho biết, vấn đề được quan tâm triển khai ngay từ ban đầu là công việc quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn là hợp nhất tổ chức bộ máy, sắp xếp bố trí cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị, bảo đảm sự vận hành thông suốt từ ngày 1-8-2008; bảo đảm cho mọi hoạt động của đời sống xã hội, của nhân dân, của doanh nghiệp... không bị trở ngại.

ong-nham.jpg
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm.

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ được coi là nhiệm vụ then chốt đã được tiến hành dân chủ, khoa học, công tâm, nhân văn, hiệu quả, bảo đảm vận hành thông suốt trong quá trình giao thời, sắp xếp. Các phương án bố trí cán bộ được xây dựng sớm, trên nguyên tắc tập trung, dân chủ, công tâm, không cục bộ, có sự kế thừa, phát triển; được thống nhất cao trong tập thể, giúp cho công tác bố trí, phân công công tác kịp thời.

Công tác tại Ban Tổ chức Huyện ủy Ứng Hòa thời điểm hợp nhất năm 2008, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú Cầu Đặng Văn Toản nhìn nhận, công tác cán bộ huyện thời điểm đó gặp nhiều khó khăn về chất lượng cũng như số lượng. “Trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị chưa đạt được theo quy định của Thành ủy Hà Nội trước năm 2008”, đồng chí Đặng Văn Toản chia sẻ.

ong-toan.jpg
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú Cầu Đặng Văn Toản.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngay từ sau thời điểm hợp nhất đến nhiệm kỳ 2010-2015, các chức danh thuộc Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa quản lý tại các xã đều phải đi học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Từ nhiệm kỳ 2016-2020 đến nay, riêng tại Quảng Phú Cầu, 100% cán bộ, công chức Đảng ủy, HĐND, UBND xã đều có chuẩn trình độ đại học và trên đại học, hầu hết có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.

“Chỉ trong 7 năm, chuyển biến lớn nhất là chất lượng bộ máy đã theo kịp được yêu cầu của Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ”, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú Cầu Đặng Văn Toản nói.

Năm 1991, huyện Mê Linh tách khỏi Hà Nội về với tỉnh Vĩnh Phú (tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ ngày nay) rồi đến năm 2008 lại trở về với Hà Nội. Công chức văn phòng - thống kê UBND xã Văn Khê Đinh Văn Dũng cho biết, trước đây, cán bộ xã chủ yếu là người địa phương; tuy nhiên, với sự tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ chủ chốt, cùng với cơ chế thi tuyển công chức đã nâng cao công tác cán bộ, công chức tại địa bàn từ thời điểm Mê Linh sáp nhập về Hà Nội đến nay.

ong-dang-van-cuong.jpg
Bí thư Đảng ủy xã Văn Khê (huyện Mê Linh) Đặng Văn Cường.

Là cán bộ văn hóa huyện Mê Linh tại thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính năm 2008, Bí thư Đảng ủy xã Văn Khê Đặng Văn Cường nhận thấy rất nhiều thay đổi trong 15 năm qua, đặc biệt là công tác cán bộ. Cán bộ, công chức cấp xã được tuyển dụng qua các đợt thi tuyển, sát hạch, được đào tạo với trình độ rất cơ bản để phục vụ nhân dân trên địa bàn xã. Số lượng cán bộ, công chức được bố trí “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhìn rộng hơn, tại thời điểm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, chỉ hơn 30% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, đến hết nhiệm kỳ XV (2010-2015), Thành ủy Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu 100% cán bộ chủ chốt phường, thị trấn và 80% cán bộ chủ chốt xã đạt trình độ đại học...

--

GIẢI "BÀI TOÁN" BỐ TRÍ CÁN BỘ

line-title.jpg

Sau hợp nhất, nhiều ban Đảng, sở, ngành thành phố có phổ biến từ 6 đến 8 cấp phó; cá biệt Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội sau khi hợp nhất có đến… 13 Phó Giám đốc. Đây thực sự là thách thức rất lớn và là bài toán “rất khó” chưa có tiền lệ. Với quyết tâm cao của cấp ủy và sự chỉ đạo sát, đúng, kịp thời của Trung ương, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ dần có lời giải.

hoi-nghi-1.jpg
Một hội nghị của thành phố Hà Nội về sắp xếp cán bộ năm 2019.

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, các cấp ủy Hà Nội đã làm tốt công tác chính trị, tư tưởng để tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cách thức thực hiện khoa học, bài bản, chính xác, thành phố đã luân chuyển trên 130 lượt cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý về làm Bí thư, Phó Bí thư; giới thiệu để HĐND các địa phương bầu làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã.

Trong một thời gian rất ngắn, bộ máy của tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương đã đi vào vận hành, bảo đảm mọi công việc được diễn ra suôn sẻ, khai thác tối đa, phát huy mọi nguồn lực, trí tuệ, tiềm năng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

ong-hai-1.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải chia sẻ kinh nghiệm của Hà Nội tại Quốc hội.

Nhìn lại lời điểm điều chỉnh địa giới hành chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, sự gương mẫu chấp hành sự phân công, bố trí sắp xếp lại tổ chức của các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức đã tạo nên không khí phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Từ kinh nghiệm sắp xếp cán bộ sau hợp nhất, Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước, với cách làm bài bản, sáng tạo, khoa học, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Đề cập đến hiệu quả trong việc sáp nhập đơn vị hành chính, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) của Đảng (năm 2017), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thời điểm đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) đã lấy dẫn chứng việc hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội là bài học thành công sống động, cho thấy khó mấy cũng làm được nếu điều đó là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn xã hội.

pmc.jpg

Lúc bàn thì khó khăn vô cùng, với rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Ví như sáp nhập vào rồi thì truyền thống văn hóa, lịch sử, kinh phí, đặc biệt là công tác cán bộ sẽ ra sao? Sáp nhập phòng đã khó vì hai trưởng phòng nay chỉ còn chọn một. Sáp nhập cấp tỉnh còn khó khăn gấp bội...

Đồng chí PHẠM MINH CHÍNH

Đồng chí Phạm Minh Chính cũng đánh giá, công tác cán bộ thời điểm hợp nhất Hà Tây và Hà Nội là “đúng đắn, thành công, hiệu quả”, mở ra không gian cho sự phát triển; mọi khó khăn lúc đầu đặt ra đều được giải quyết.

↓ XEM BÀI KẾ TIẾP ↓

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Không chỉ hợp nhất cơ học…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.