Đây cũng là lần đầu tiên, Hà Nội đưa nghệ thuật đương đại ra đường phố tiếp cận với công chúng.
Dù thời tiết Hà Nội đang trong những ngày giá lạnh, các họa sỹ tham gia dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” vẫn miệt mài thực hiện để kịp hoàn thành vào cuối tháng 12 này. Đây cũng là lần đầu tiên, Hà Nội đưa nghệ thuật đương đại ra đường phố tiếp cận với công chúng.
Dù chưa hoàn thành nhưng dự án được mọi người đánh giá cao bởi vừa có tính nghệ thuật, tính quần chúng, đặc biệt là gợi lại miền ký ức về Hà Nội xưa cũ.
Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” triển khai ở vòm phía Đông phố Phùng Hưng, đoạn từ ngã ba Phùng Hưng-Lê Văn Linh đến Hàng Cót thuộc giai đoạn 1 của ý tưởng tạo không gian văn hóa nghệ thuật vòm cầu phố Phùng Hưng theo chủ trương của thành phố Hà Nội.
Giai đoạn 2 là khôi phục các cổng vòm từ đoạn phố Phùng Hưng đến phố Hàng Cót theo cách thức mở vòm tạo không gian văn hóa. Giai đoạn 3 là khôi phục các cổng vòm từ Cửa Đông đến phố Lê Văn Linh.
Với độ dài gần 200 mét, phố bích họa Phùng Hưng với 19 bức họa do họa sỹ hai nước Hàn Quốc và Việt Nam triển khai.
Dự án thực hiện không chỉ giữ gìn di sản, làm đẹp không gian đô thị mà còn để di sản sống động, gần gũi với người dân. Hiện nay, 7 bức của họa sỹ Hàn Quốc cơ bản xong, còn lại 11 bức của họa sỹ Việt Nam và một bức chung của họa sỹ hai nước đang tiếp tục thực hiện.
Hầu hết các bức đã hoàn thành đều khắc họa những nét đặc trưng của Hà Nội, gợi lại nhiều cảm xúc cho cả người thực hiện lẫn công chúng. Đó là một mùa Thu dịu dàng, cầu Long Biên trầm mặc, những chuyến tàu điện, phố cổ Hà Nội với những chiếc xích lô…
Đặc biệt, trong số các bức tranh của các họa sỹ Hàn Quốc, có một bức được ghép tạo hình cầu Long Biên bằng dây điện gây ấn tượng cao cho mọi người.
Là người quan tâm đến phố bích họa Phùng Hưng, kiến trúc sư Trần Huy Ánh chia sẻ, dự án là khởi đầu cho ý tưởng mới, một thử nghiệm táo bạo của Hà Nội đưa nghệ thuật vào cuộc sống. Với chủ đề khắc họa ký ức Hà Nội, điều đó cũng có thể khẳng định, Hà Nội là thành phố luôn cởi mở, luôn đón nhận cái mới, hiện đại trên cơ sở kế thừa truyền thống.
Điều đáng nói, khu vực vòm cầu phố Phùng Hưng trước kia là nơi trông giữ xe, tập kết phế thải nên việc biến khu vực này thành không gian nghệ thuật công cộng rất có ý nghĩa trong việc tạo ra một môi trường văn hóa cho người dân. Đặc biệt, phố bích họa hài hòa với không gian phố cổ Hà Nội, vốn có giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, phố bích họa Phùng Hưng khi hoàn thành sẽ hoạt động theo quy chế quản lý riêng. Quận Hoàn Kiếm giao cho chính quyền địa phương quản lý. Dù việc quản lý ít nhiều có khó khăn do đây là không gian nghệ thuật đầu tiên của thành phố nhưng có thể nhận rõ là dự án đang làm đô thị “sáng” hơn, sạch đẹp, ngăn nắp hơn. Ngoài giá trị nghệ thuật mà phố bích họa mang lại, Dự án cũng hướng đến giá trị cốt lõi là nâng cao nhận thức của cộng đồng, đảm bảo trật tự đô thị, giữ gìn khu vực công cộng văn minh hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.