(HNMO) - Ngày 20-6, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và Công ty RX Tradex Việt Nam tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác tổ chức Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản (Supporting Industries Exhibition - SIE) lần thứ 10 tại Hà Nội và Triển lãm quốc tế công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (Vietnam Manufacturing Expo - VME 2023) lần thứ 14.
Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 10 và Triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam lần thứ 14 sẽ diễn ra từ ngày 9-8 đến 11-8 tại Hà Nội.
Triển lãm kép VME-SIE năm nay có sự góp mặt của hơn 200 đơn vị tham gia là các nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, các hãng chế tạo công nghệ và máy móc tiên tiến đến từ 20 quốc gia. Nhiều hoạt động sẽ được tổ chức xuyên suốt 3 ngày triển lãm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và khách tham quan trong việc kết nối với các đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh.
Với triển lãm chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ, dự kiến có 22 doanh nghiệp Nhật Bản và 28 doanh nghiệp tiềm năng Việt Nam tham gia trưng bày sản phẩm và giới thiệu năng lực cung ứng.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, 2 triển lãm trên có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác Nhật Bản.
Nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, từ năm 2004, JETRO đã tổ chức Triển lãm SIE luân phiên tại hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với sự hợp tác và ủng hộ của chính phủ Việt Nam.
Việt Nam hiện đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo.
Trong những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế và ngành công nghiệp của đất nước. Doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.
Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ thu mua nguyên liệu, link kiện, phụ tùng của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% cách đây 10 năm lên 37% vào năm 2022. Mặc dù tỷ lệ này đã tăng nhưng vẫn còn rất chậm so với tốc độ phát triển kinh tế của hai nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.