Ban soạn thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang nghiên cứu, đưa vào luật khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh như: Xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện, phương tiện lưỡng tính, các phương tiện kết nối hệ thống điều khiển, không người lái…
Xe không người lái do Google thiết kế và sản xuất. Ảnh minh họa |
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Đây là đạo luật quan trọng, có tác động rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.
Để góp ý hoàn thiện dự án luật này, ngày 27-8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đây cũng là lần đầu tiên Ban soạn thảo tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp về dự án luật này.
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, qua 10 năm thi hành, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên cùng với sự phát triển của nền kinh tế, xu hướng hội nhập quốc tế đã phát sinh một số vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, Ban soạn thảo đang nghiên cứu, đưa vào luật khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh, như: Xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện, phương tiện lưỡng tính có thể di chuyển cả trên đường bộ và hàng không, các phương tiện thông minh kết nối hệ thống điều khiển, không người lái… hiện vẫn thiếu khung pháp lý để điều chỉnh.
Bên cạnh đó, xuất phát từ thực trạng thời gian qua, việc sử dụng phương tiện cá nhân vào kinh doanh vận tải gây nên tình trạng lộn xộn, tạo bất bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh; nhiều cá nhân không chấp hành quy định về kinh doanh vận tải, không bảo đảm các yêu cầu về thuế và an toàn giao thông khác… Ban soạn thảo Luật sửa đổi đề xuất xem xét quy định màu biển số xe, mã số định danh thay vì quản lý bằng phù hiệu để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh.
Luật Giao thông vận tải 2008 hiện đang quy định 5 loại hình kinh doanh vận tải hành khách và 4 loại hình kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô. Tuy nhiên có nhiều bất cập trong việc phân loại này, như chồng chéo giữa vận tải hành khách theo tuyến cố định và xe hợp đồng, giữa xe taxi với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, gây cạnh tranh không lành mạnh, “xe dù, bến cóc”.
Dự án luật sửa đổi lần này cũng đề xuất phân lại các loại hình kinh doanh vận tải, trên cơ sở đó điều chỉnh, sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải.
Ông Ngô Khắc Lễ, Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi có nhiều điểm mới so với luật cũ và đều là những điều tất yếu phải thay đổi trong bối cảnh các hình thức kinh doanh, các phương tiện mới xuất hiện ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, ông Lễ nhận định, quy định màu biển số xe chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, trong ngành logistics có những phương tiện chuyên sử dụng trong kho và rất hiếm khi chạy ra ngoài khu vực nhà máy. Nếu quy định màu riêng biệt đối với biển số của xe phục vụ kinh doanh, thì khi phương tiện ra ngoài đường sẽ phải sử dụng một biển số khác, hoặc biển số của xe sẽ có 2 màu.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Luật không cần phân loại rõ các loại hình kinh doanh vận tải, chỉ cần chia ra kinh doanh và không kinh doanh. Nếu đã kinh doanh sẽ phải tuân thủ các quy định về nộp thuế, đào tạo lái xe, phụ xe và các quy định về an toàn giao thông khác. “Còn nếu không thì phải phân loại thật chi tiết, đầy đủ, nhưng cái này sẽ khó có thể làm được vì càng ngày sẽ có thêm nhiều loại hình vận tải mới theo xu hướng giao thông thông minh”, ông Thanh nêu quan điểm.
Còn theo TS Đinh Thị Thanh Bình, Đại học Giao thông Vận tải, bản dự thảo chưa chỉ rõ sẽ thêm, bớt loại hình kinh doanh nào. Bên cạnh đó, việc kinh doanh vận tải dựa trên hợp đồng điện tử hay qua ứng dụng của bên thứ ba cũng chỉ là công cụ, cần phải xem xét bản chất của quá trình hoạt động vận tải, không nên tách riêng vận tải dựa trên nền tảng công nghệ hay vận tải truyền thống.
“Dự thảo mới chỉ xem xét những vấn đề phát sinh từ thực tế nhưng với một văn bản luật nên dự liệu trước, có tầm nhìn xa hơn và nên xây dựng theo hướng mở, tránh trường hợp vừa làm xong lại phải điều chỉnh”, bà Bình nhận định.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ lần này sẽ tập trung một số nhóm vấn đề chính như: Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định về quy tắc giao thông đường bộ bảo đảm phù hợp với Công ước về Biển báo và Tín hiệu đường bộ, Công ước về Giao thông đường bộ và các quy định chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Thứ hai, điều chỉnh việc phân loại hệ thống đường bộ, nội dung bảo trì đường bộ, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thứ ba, bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; quản lý chất lượng, khí thải đối với xe mô tô. Thứ tư, xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải. Thứ năm, xem xét quy định trách nhiệm đăng ký tài khoản ngân hàng của chủ xe ô tô Thứ sáu, điều chỉnh hạng giấy phép lái xe phù hợp với Công ước Viên và các vấn đề có liên quan. Thứ bảy, phân lại các loại hình kinh doanh vận tải, trên cơ sở đó điều chỉnh, sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.