Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng tác văn học, nghệ thuật cho thanh thiếu nhi: Khơi dòng cảm hứng mới

An Nhi| 28/05/2023 06:12

(HNM) - Bước vào mùa hè, nhu cầu giải trí, thưởng thức văn học, nghệ thuật của thanh thiếu nhi tăng mạnh. Hầu hết lực lượng sáng tác ở lĩnh vực thơ, văn, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh... đều tích cực chuẩn bị và cho ra đời những tác phẩm mới. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng tác phẩm có đáp ứng được khán giả nhỏ tuổi hiện nay hay không và làm thế nào khơi dòng cảm hứng sáng tác văn học, nghệ thuật cho thanh thiếu nhi hiệu quả, thiết thực, bền lâu... vẫn là những trăn trở của giới nghề.

Sách văn học luôn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm, tìm đọc của thanh thiếu nhi. Ảnh: Thụy Du

“Địa hạt“ thú vị và ý nghĩa

Sáng tác văn học, nghệ thuật cho thiếu nhi là một “địa hạt” vô cùng thú vị và ý nghĩa, nhưng cũng gặp không ít thách thức, nhất là trước sự phát triển của các phương tiện giải trí công nghệ cao. Kiểm đếm những nỗ lực gần đây có thể thấy, văn học sáng tác cho thanh thiếu nhi nhiều hơn, trong đó có cả sáng tác của tác giả kỳ cựu và những tài năng văn chương mới. Bên cạnh nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mỗi năm đều đặn đem đến độc giả nhí những câu chuyện thú vị, còn có nhà văn Trần Đức Tiến cũng bền bỉ cho ra đời các tác phẩm hấp dẫn thiếu nhi. Sau “Xóm Bờ Giậu” - cuốn truyện đồng thoại đoạt Giải B Giải thưởng Sách quốc gia năm 2019, cuốn “Alo!... Cậu đấy à?” của nhà văn Trần Đức Tiến ra mắt gần đây tiếp tục thu hút các em nhỏ. Nhiều tác giả bước vào sáng tác cho thiếu nhi và đã có sách bán tốt như: Lê Quang Trạng với “Cá linh đi học”, Phát Dương với “100 cửa sổ”, Nguyễn Chí Ngoan với “Rồi nắng cũng lẻ loi”, Nguyên Hương với “Những chuyến tàu đi”... Các tác giả “nhí” như: Cao Khải An, Cao Việt Quỳnh, Hạnh Phương... cũng góp phần vào không khí sôi nổi, tươi mới của văn học thiếu nhi.

Sân khấu và điện ảnh là hai lĩnh vực nghệ thuật hấp dẫn trẻ em hàng đầu. Cùng với những vở kịch nói luôn “cháy vé” mỗi khi công diễn như “Dế Mèn” (Sân khấu Lệ Ngọc), “Hai viên ngọc thần” (Nhà hát Kịch Hà Nội), những hình thức nhạc kịch, kịch xiếc, nhạc vũ kịch cũng đang thịnh hành. Dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 năm nay có nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” (Nhà hát Tuổi trẻ) hay kịch xiếc “Tấm Cám - Bống bống, bang bang” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) gây chú ý. Trong khi đó, điện ảnh có một vài tác phẩm chiếu rạp cho thiếu nhi như “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác”... nhưng doanh thu không cao. Phim hoạt hình Việt Nam vẫn chưa thể tạo đột phá bởi thời lượng ngắn, kỹ thuật chưa tốt, chưa có phim dài chiếu rạp.

Lĩnh vực có sức lan tỏa nhanh, mạnh mẽ nhất là âm nhạc cũng có một số dấu ấn từ nỗ lực sáng tác cho thanh thiếu nhi của các tác giả gạo cội như nhạc sĩ Phạm Tuyên với ca khúc “Nghìn việc tốt tặng bạn”, nhạc sĩ Hoàng Giai với bài hát “Mùa xuân cho em”...; hay gương mặt mới bước vào con đường này là nhạc sĩ Nguyễn Minh Đức với “Ếch ộp đi thi”, “Ngông nghênh chú dế”... Song, thực tế vẫn quá ít tác phẩm nổi bật, có sức sống lâu dài...

Một cảnh trong vở nhạc kịch hấp dẫn, vui nhộn “Giấc mơ của Bờm” (Nhà hát Tuổi trẻ).

Chuyển động cùng các bạn nhỏ

Thực tế, dù có nỗ lực sáng tạo, ra mắt nhiều tác phẩm cho thanh thiếu nhi, nhưng hiện nay, số lượng văn học dịch, phim nước ngoài cho thiếu nhi vẫn chiếm “áp đảo”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật của trẻ em ngày nay khác trước. Các em có hiểu biết về thế giới nhiều hơn nhờ internet, vì thế, nhu cầu giải trí cũng khác biệt, đa dạng. Do đó, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi sáng tác cho thanh thiếu nhi Việt Nam, tác giả phải chuyển động cùng tư duy, thị hiếu của trẻ.

Còn Nhạc sĩ Hoàng Giai (Hội Âm nhạc Hà Nội) chia sẻ, các tác giả phải mạnh dạn giao lưu, tiếp xúc, trò chuyện để hiểu được nhu cầu, suy nghĩ của giới trẻ rồi mới bắt tay vào sáng tác. Nhạc sĩ Hoàng Giai cũng cho rằng, để có tác phẩm hay cho lớp trẻ, mỗi hội chuyên ngành cần thành lập tiểu ban sáng tác cho thanh thiếu nhi. Các đài truyền hình nên dành thời lượng phát sóng cho trẻ em và các chương trình văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn cần đan xen biểu diễn tác phẩm cho thanh thiếu nhi để thu hút các em...

Là đạo diễn các nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm”, “Trại hoa vàng”, “Bầy chim thiên nga”, “Rồi ta sẽ lớn”, Nghệ sĩ ưu tú Ánh Tuyết (Nhà hát Tuổi trẻ) nhìn nhận, thanh thiếu nhi hiện nay muốn được tiếp cận các loại hình nghệ thuật hiện đại, thịnh hành trên thế giới. Nhưng đó phải là những tác phẩm dành cho họ, cài vào đó yếu tố truyền thống hay góc nhìn của giới trẻ Việt Nam, từ đó họ tìm thấy sự gần gũi, chia sẻ. Trong khi đó, theo nhà biên kịch Phạm Thị Thanh Hà (Hãng Phim hoạt hình Việt Nam), muốn nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật, đáp ứng thị hiếu của khán giả hiện nay, ngoài đầu tư về công nghệ thì cần mở rộng đề tài sáng tác, hướng tới những tác giả trẻ, có ý tưởng mới để cùng xây dựng nên tác phẩm có sức hút với thanh thiếu nhi.

Ở góc độ khác, nhà nghiên cứu Trần Văn Mỹ (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) gợi ý, nên mở lại những chuyên mục văn học, nghệ thuật cho thanh thiếu nhi trên các ấn phẩm báo chí, đặc biệt là tạp chí chuyên ngành để đăng tải những sáng tác văn, thơ, nhạc, họa...; qua đó tạo nên phong trào và cảm hứng sáng tác cho các tác giả.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội ghi nhận, các hội chuyên ngành đang chuyển động trong việc tổ chức, phát hiện, bồi dưỡng tài năng sáng tác cho trẻ em. Hội sẽ nghiên cứu, đề xuất tổ chức giải thưởng sáng tác văn học, nghệ thuật cho thanh thiếu nhi để khơi dòng chảy sáng tạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sáng tác văn học, nghệ thuật cho thanh thiếu nhi: Khơi dòng cảm hứng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.