Hồ sơ

Sáng kiến Vành đai và Con đường - “Siêu dự án” nhiều kỳ vọngBài 4: Xác định tầm nhìn hợp tác

Nguyễn Thúc 13/12/2023 16:19

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) do Trung Quốc dẫn dắt có thể đem lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối khu vực… thông qua các nguồn lực hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường. Vận dụng hiệu quả cơ chế này có thể tạo ra đáng kể cơ hội cho doanh nghiệp, người dân.

Tăng cường kết nối

Việt Nam từ lâu luôn hoan nghênh những sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, hướng đến mục tiêu đóng góp cho phát triển bền vững và thịnh vượng chung của tất cả quốc gia.

br1_all_3.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 (tháng 10-2023).

Đề cập tới BRI, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng từng nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam mong muốn BRI tiếp tục góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối khu vực, hỗ trợ các nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng thị trường, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và đem lại cơ hội mới cho doanh nghiệp, người dân ở khu vực và trên toàn thế giới”.

Quan điểm nhất quán về tăng cường kết nối kinh tế thường xuyên được Việt Nam nêu bật trên các diễn đàn quốc tế. Tháng 10-2023, phát biểu tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: "Việt Nam coi trọng các con đường kết nối với thế giới trên cả đất liền, trên không, trên biển, trên không gian số, hoan nghênh các sáng kiến liên kết kinh tế, kết nối khu vực, góp phần xây dựng nền kinh tế thế giới đa kết nối, mở, bao trùm, bền vững, với người dân là trung tâm".

Cũng theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, với quyết tâm cao, đầu tư lớn, nhiều chương trình, dự án, hành động cụ thể, BRI đã trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu.

screenshot-2023-12-11-at-06.57.27.jpg
Những cửa khẩu trên bộ là cửa ngõ của các tuyến giao thương “huyết mạch” giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 2023 cũng tiếp tục chứng kiến Việt Nam thể hiện cam kết đóng góp tích cực vào BRI nói riêng và các dự án kết nối kinh tế quy mô lớn nói chung. Các cuộc gặp mới nhất giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại Trung Quốc vào tháng 10-2023 đã chứng kiến sự nhất trí thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư bền vững, cân bằng hơn trong thời gian tới; tăng cường hợp tác liên kết về hạ tầng, đặc biệt trong khuôn khổ các kết nối “Hai hành lang, một vành đai” và “Một vành đai, một con đường”.

Đến đầu tháng 12, tiếp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đề nghị hai bên phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới Việt - Trung; đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc cho một số loại nông, thủy sản của Việt Nam; sớm hoàn tất thủ tục thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và tham dự các hội chợ, triển lãm lớn tại Trung Quốc…

Tại cuộc gặp gỡ này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị hai bên đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là đường sắt; đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh; hoàn tất đàm phán nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, trong đó có Kế hoạch hợp tác thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với BRI.

br4_v1_10_4.jpg
Tháng 8-2023, chuyến tàu hàng liên vận quốc tế từ thành phố Thạch Gia Trang (Trung Quốc) đã đến ga Yên Viên (Hà Nội, Việt Nam).

Với quan điểm thúc đẩy hợp tác và kết nối nhất quán, nền kinh tế Việt Nam lâu nay luôn thể hiện sự gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc, cả trên bình diện song phương lẫn đa phương. Trong 20 năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Với lợi thế cửa ngõ nối Đông Nam Á với Trung Quốc, lại sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam cũng đã và đang dần thể hiện vai trò cầu nối giao thương giữa nhiều địa phương của Trung Quốc với các nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Theo thống kê của Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO), lượng hàng liên vận quốc tế năm 2022 qua các cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng đã đạt 950.000 tấn.

Thu hút đầu tư

Các chuyên gia kinh tế nhận định, với lợi thế có quan hệ hợp tác truyền thống với Trung Quốc như nêu ở trên, Việt Nam cũng nằm trong phạm vi địa lý của BRI, lại có nhu cầu lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng - hoàn toàn có thể được hưởng lợi từ sáng kiến ​​này. Một số đánh giá từng cho biết, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2040 là 605 tỷ USD, đồng nghĩa Việt Nam sẽ phải tích cực tìm kiếm các nguồn tài chính khác nhau để bù đắp thiếu hụt khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và xu hướng đầu tư vào khoảng 102 tỷ USD.

br4_v1_10_1.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hồi tháng 6-2023.

Trong khi đó, sáng kiến “Vành đai và Con đường” huy động vốn để thực hiện các dự án từ 4 nguồn khác nhau, mỗi năm có thể cung cấp hàng trăm tỷ USD - theo Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) Phạm Sỹ Thành.

Trên cơ sở đó, chuyên gia này cho rằng, BRI có thể hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông, gia tăng năng lực phục vụ và phát triển kinh tế; đồng thời tận dụng cơ hội này tăng trao đổi thương mại đầu tư, gắn kết với các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, trong bối cảnh mới chỉ tập trung phát triển kinh tế và kết nối Bắc - Nam, chưa tập trung vào kết nối Đông - Tây và các quốc gia láng giềng ở trục này, Việt Nam có thể tận dụng BRI khắc phục điểm yếu và phát huy các lợi thế sẵn có.

Tuy nhiên, một thực tế không bàn cãi là nền kinh tế Việt Nam từ lâu đã kết nối chặt chẽ với Trung Quốc. Theo Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã không ngừng tăng trưởng, tăng hơn 8 lần trong 15 năm qua. Cụ thể, khi hai nước thiết lập khuôn khổ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008, kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều mới đạt 20,8 tỷ USD, đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai nước đạt đến 175,56 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của ta đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%).

lnh08686.jpg
Nhà đầu tư Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm về logistics và vận tải trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam và Trung Quốc năm 2023, tại Hà Nội.

Bước sang năm 2023, mối liên kết kinh tế giữa hai nước tiếp tục được duy trì, nhất là trong thúc đẩy khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”. Trong 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc đạt 49,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc đang chiếm khoảng 17% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Về đầu tư, nguồn vốn Trung Quốc là một trong những trụ cột quan trọng đối với tiến trình phát triển của Việt Nam. Riêng 10 tháng năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt hơn 2,5 tỷ USD với 555 dự án, là nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 4 tại Việt Nam. Lũy kế đến ngày 20-10-2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 4.105 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 26,5 tỷ USD. Cũng trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp tục tăng cường khảo sát đầu tư tại một số tỉnh phía Bắc của nước ta.

Trong đó, nhà lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc Wingtech cam kết sẽ tiếp tục khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ. Tập đoàn Goertek Trung Quốc vừa đầu tư thêm một dự án mới với số vốn 280 triệu USD và mở rộng một dự án đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh. Hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD cũng đầu tư dự án về linh kiện ô tô tại tỉnh Phú Thọ với tổng vốn 269 triệu USD…

Trung Quốc cũng đang đứng thứ 2 về các nền kinh tế đầu tư tại Thủ đô Hà Nội, với gần 30 triệu USD trong 10 tháng năm nay.

br4_v1_10_6.jpeg
Xe điện Trung Quốc sản xuất tại Bắc Giang đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Có thể thấy, Việt Nam trên thực tế đã vận dụng hiệu quả hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” với Trung Quốc, qua đó không chỉ tận dụng được lợi thế mà còn đóng góp hiệu quả vào khuôn khổ BRI. Về lâu dài, Việt Nam tiếp tục hoan nghênh các kênh đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc. Quan điểm này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nêu bật tại cuộc gặp gần đây nhất vào tháng 9-2023.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sáng kiến Vành đai và Con đường - “Siêu dự án” nhiều kỳ vọng Bài 4: Xác định tầm nhìn hợp tác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.