Hồ sơ

Sáng kiến Vành đai và Con đường - “Siêu dự án” nhiều kỳ vọngBài 2: Kỳ vọng và hành động

Nguyễn Thúc 12/12/2023 21:37

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) một khi được triển khai theo đúng tôn chỉ, hợp tác kinh tế bình đẳng cùng có lợi, hoàn toàn có cơ hội trở thành một hành lang kinh tế rộng mở, mang lại những lợi ích chung cho các nước trong khu vực và thế giới.

Những kế hoạch hành động mới mẻ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3 tại Bắc Kinh tháng 10-2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu rõ mục tiêu hành động "thập kỷ vàng" tới đây của sáng kiến ​​này, trong đó nhấn mạnh hai hướng tiếp cận mới là số hóa và không gian thương mại tự do.

br2_v1_10_1.jpeg
Biểu tượng Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3 tại Bắc Kinh tháng 10-2023.

Thực tế, bên cạnh mối quan tâm dành cho các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, Trung Quốc những năm gần đây bắt đầu dành thêm ưu tiên đẩy mạnh các dự án Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) trong vai trò động lực kết nối cho sáng kiến toàn cầu nay bước sang tuổi thứ 10. Các nhà phân tích cho rằng, nỗ lực thúc đẩy kỹ thuật số của Trung Quốc là cần thiết để giữ cho kế hoạch BRI trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các đối tác, đồng thời cho phép củng cố vị thế là quốc gia hàng đầu về công nghệ.

Mặt khác, không thể phủ nhận “số hóa” các quan hệ hợp tác là xu hướng tất yếu, trong bối cảnh thương mại điện tử đang vượt qua thương mại và bán lẻ thông thường bằng cách tiếp cận với người tiêu dùng xuyên biên giới. Lĩnh vực này đang mang lại nhiều cơ hội và phạm vi tiếp cận rộng lớn về mặt địa lý cho tất cả loại hình doanh nghiệp.

Ở cấp độ vĩ mô, thương mại điện tử đang định hình lại thương mại toàn cầu. Như thế, một “con đường tơ lụa” trên thế giới ảo là thứ cần có, và Trung Quốc hiển nhiên nắm bắt ngay cơ hội này. Thúc đẩy thương mại điện tử ở các nền kinh tế tham gia BRI cũng cho phép các nền kinh tế kém phát triển hơn tiếp cận hàng tiêu dùng có chất lượng từ Trung Quốc, ngược lại cũng giúp nền công nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới mở rộng thị trường tiêu thụ.

desk-1.jpg
Mô tả "Con đường tơ lụa kỹ thuật số".

Với nhiều ích lợi đan xen, DSR đã được Bắc Kinh chú trọng triển khai từ năm 2015 với vai trò là nhánh công nghệ của BRI. Trong những năm qua, DSR cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu công nghệ kỹ thuật số của Trung Quốc, qua đó phần nào tạo ra nền tảng số cho các nước mà nó vươn tới.

Các dự án thuộc DSR bao trùm rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng mạng 5G, thương mại điện tử và nền kinh tế kỹ thuật số, quy hoạch đô thị thông minh... Theo số liệu của Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc, đã có 17 quốc gia ký các thỏa thuận cụ thể về DSR. Nhiều quan điểm phân tích kỳ vọng, con số đó sẽ tăng lên khi các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Huawei tham gia tích cực hơn vào nỗ lực này.

Bên cạnh DSR, Trung Quốc cũng tích cực khai thông các kênh hàng hóa truyền thống, hướng đến một không gian thương mại mở. Phát biểu khai mạc Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra kế hoạch hành động trong việc theo đuổi "thập kỷ vàng" của sáng kiến ​​này, trong đó cho biết sẽ có thêm nhiều hiệp định thương mại tự do và hiệp định đầu tư với nhiều quốc gia hơn; đồng thời sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất của Trung Quốc.

Cũng theo nhà lãnh đạo quốc gia tỷ dân, Bắc Kinh ủng hộ xây dựng một nền kinh tế thế giới mở, khởi đầu bằng thiết lập các khu vực tiên phong "thương mại điện tử trên con đường tơ lụa"; ký kết các thỏa thuận thương mại tự do với các nước và bãi bỏ hoàn toàn hạn chế tiếp cận thị trường.

br2_v1_10_5.jpeg
Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác Kinh tế và Thương mại Sri Lanka - Trung Quốc (thứ hai từ phải sang) tham dự một phiên “livestream” bán hàng từ Bắc Kinh.

Một yếu tố thuận lợi lớn cho tham vọng này của BRI chính là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hướng tới mục tiêu tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, kể cả về thương mại lẫn dân số.

Có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, RCEP gồm 10 quốc gia Đông Nam Á cùng 5 nước đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand và Australia. Sự “chồng lấn” giữa hai khuôn khổ thương mại sẽ hạ thấp các rào cản thương mại hơn nữa, cho phép sự hội nhập nhanh hơn của các công ty sản xuất Trung Quốc vào chuỗi cung ứng toàn cầu và mở rộng xuất khẩu các mô hình cùng tiêu chuẩn đường sắt của Trung Quốc.

Về phần mình, RCEP cũng được hưởng lợi từ BRI với những “điểm cộng” thấy rõ, như được hỗ trợ thúc đẩy các liên kết thương mại mạnh mẽ hơn trong khu vực. ASEAN còn có thể nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào có giá trị gia tăng cao hơn từ Đông Á và xuất khẩu các thành phẩm có giá trị gia tăng cao hơn sang 5 quốc gia thành viên khác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc) cũng như thúc đẩy đầu tư trong khu vực.

Nhiều lợi ích từ hành lang kinh tế ngày càng mở rộng

Bất chấp nhiều dư luận trái chiều, thập kỷ đầu tiên của BRI đã thành công đáng ngạc nhiên. Hơn 150 quốc gia tham gia sáng kiến chiếm 23% GDP toàn cầu, với 3,68 tỷ người - tương đương 47% dân số thế giới. Thông qua các hành lang kinh tế, các dự án cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số lớn trên cả đất liền và biển, BRI phát triển nhanh chóng cả về độ phủ địa lý, các ngành và lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ, thậm chí cả hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và không gian vũ trụ… Đáng chú ý, dữ liệu sơ bộ về sự tham gia của Trung Quốc thông qua đầu tư tài chính và hợp tác theo hợp đồng trong nửa đầu năm 2023 tại các quốc gia tham gia BRI đã ghi nhận khoảng 102 giao dịch trị giá 43,3 tỷ USD, tương đương 60% cam kết BRI của Trung Quốc trong cả năm 2022 (72,6 tỷ USD).

the-belt-and-road-initiative-102023.jpg
Một thập kỷ phát triển của BRI.

Những bước tiến đáng nể nói trên trước hết bắt nguồn từ một thực tế không thể phủ nhận là BRI, dù xuất phát từ mong muốn thịnh vượng của Trung Quốc, cũng đã mang lại những lợi ích cụ thể cho những nước mà nó vươn tới, đặc biệt là các nước đang phát triển hay thậm chí những khu vực đường bộ và đường sắt trước đó vẫn chưa hiện diện. Dữ liệu cho thấy chiến lược BRI của Trung Quốc phần lớn đã thành công. Năm 2012, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc là 82 tỷ USD, đến năm 2020 là 154 tỷ USD, được xếp hạng là nhà đầu tư nước ngoài số một thế giới. Sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào các nước đối tác của BRI cũng rất ấn tượng. Những đột phá còn nằm ở ngành công nghiệp kỹ thuật số đang chớm nở, nhờ đó gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã mở rộng mạng 5G tới 71 quốc gia dọc hành lang BRI.

Có thể nói, BRI đã thúc đẩy sự phát triển của các đối tác, gián tiếp nâng cao phúc lợi của người dân, tác động sâu sắc tới sự phát triển kinh tế toàn cầu. Sáng kiến cũng góp phần tăng cường kết nối; ổn định chính sách tiền tệ; ổn định mức độ an ninh trong khu vực. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính đến năm 2030, BRI sẽ tạo ra 1,6 nghìn tỷ USD doanh thu toàn cầu mỗi năm. Tính đến hết năm 2022, đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào các nước hợp tác đã tạo ra 421.000 việc làm tại địa phương, thông qua hơn 3.000 dự án đã triển khai. Thời gian tới, Trung Quốc cũng có kế hoạch thành lập liên minh du lịch "Con đường tơ lụa" để thúc đẩy trao đổi văn hóa. Theo đó, Bắc Kinh sẽ hợp tác với các tổ chức quốc tế, truyền thông, tổ chức tư vấn và các nền tảng văn hóa để thúc đẩy và cải thiện việc xây dựng thể chế của nền tảng BRI.

Nếu duy trì được những tác động tích cực, BRI được đánh giá có thể mở rộng phạm vi địa lý ra ngoài trục chính Á-Âu, vươn tới những vùng xa xôi. Cụ thể, châu Phi, Mỹ Latinh hay Caribbean đều là những khu vực luôn được Bắc Kinh coi là “sự mở rộng tự nhiên” và là nhân tố tham gia thiết yếu của BRI. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới khu vực Nam Thái Bình Dương, nơi BRI tiếp cận với dự án tập trung vào cơ sở hạ tầng sân bay, cơ sở hạ tầng sản xuất điện ít carbon, hiệp định thương mại, ngành công nghiệp khai thác, cầu đường, cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng và cảng; sau này là các dự án trong khuôn khổ “Con đường tơ lụa y tế”.

br2_v1_10_4.jpeg
Dự án đường hầm Genting thuộc bang Pahang (Malaysia) là một điển hình về ích lợi của sáng kiến BRI mang tới Đông Nam Á.

Về phần mình, Đông Nam Á gần “cực Nam” của BRI, luôn là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh. Nhiều quốc gia tại đây đã có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc từ lâu đời, thậm chí đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của nước này. Trung Quốc được xếp hạng là đối tác thương mại lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ năm 2009, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2020. Các tuyến thương mại hàng hải quan trọng tới Trung Quốc đều chạy qua Đông Nam Á. Khu vực này cũng là điểm đến quan trọng cho các khoản đầu tư trong khuôn khổ “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”, với các công ty Trung Quốc đang cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông ở một số nước như Campuchia, Lào và Myanmar.

Theo Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (IISS), hầu hết các dự án BRI tại khu vực này từ năm 2013 đến năm 2015 đều liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, trước khi được đa dạng hóa bao gồm các đặc khu kinh tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước tiếp nhận BRI kể từ năm 2016.

Với nhiều triển vọng hợp tác “win-win” đôi bên cùng có lợi, không khó để nhận thấy tiềm năng to lớn của BRI về lâu dài trong việc trở thành nền tảng vững chắc cho hợp tác song phương và đa phương ở những nơi nó đi qua, thúc đẩy các nỗ lực phát triển bền vững và bao trùm để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần tạo dựng một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng kiến Vành đai và Con đường - “Siêu dự án” nhiều kỳ vọng Bài 2: Kỳ vọng và hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.