(HNM) - Thực tế, hàng nghìn ngõ, ngách nhỏ trong thành phố gây cản trở không nhỏ đến công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi có sự cố xảy ra. Sáng kiến cải tiến xe máy thành phương tiện chữa cháy nhỏ gọn, dễ dàng luồn sâu vào các ngõ, ngách đã được Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội áp dụng,
“Chinh phục” các ngõ, ngách nhỏ
Trong năm 2017, nhiều vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về người đã xảy ra tại khu vực trung tâm TP Hà Nội. Đơn cử như vụ cháy xảy ra vào ngày 19-7 tại nhà 48, ngõ 41 phố Vọng (quận Hai Bà Trưng) khiến 2 người thiệt mạng. Gần đây nhất (ngày 5-11) là vụ cháy tại nhà số 31 phố Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm) cũng khiến 2 người thiệt mạng. Một trong những nguyên nhân khiến công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả chưa cao là do khu vực xảy cháy là ngõ, ngách nhỏ hẹp, dân cư sinh sống với mật độ cao, các phương tiện chữa cháy chuyên dụng không thể nhanh chóng tiếp cận hiện trường.
Một buổi diễn tập chữa cháy Ảnh: Tiến Thành |
Theo thống kê, chỉ riêng quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng có 129 ngõ xe chữa cháy di chuyển khó khăn, 1.561 ngõ xe chữa cháy không vào được với 42 ngõ có chiều dài hơn 200m. Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1 (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, Phòng đã có sáng kiến cải tạo xe máy thông thường thành xe máy chữa cháy ban đầu để “chinh phục” các ngõ, ngách nhỏ. Theo đó, xe được lắp thêm một bộ giá đỡ bằng inox tại vị trí yên sau, trên đó trang bị các phương tiện, như: Bình chữa cháy, chăn chiên; các công cụ phá dỡ gồm kìm cộng lực, búa tạ, vam phá chuồng cọp; bình thở, mặt nạ phòng độc, găng tay, đèn pin… Ngoài ra, xe còn được trang bị hệ thống còi đèn ưu tiên. Theo Trung tá Phạm Trung Hiếu, bước đầu Phòng đã đưa 2 xe máy vào hoạt động thí điểm và đạt hiệu quả cao trong công tác chữa cháy ban đầu.
Nhận thấy hiệu quả từ sáng kiến này, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2 cũng đã đưa 2 xe máy chữa cháy vào áp dụng tại địa bàn phụ trách là quận Ba Đình và quận Đống Đa. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2 cho biết, trên địa bàn hai quận có hơn 300 ngõ, ngách nhỏ xe chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận. Với kích thước xe máy chữa cháy dài 190cm, rộng 77cm, các chiến sĩ cứu hỏa có thể di chuyển đến hiện trường nhanh chóng, tổ chức chữa cháy ban đầu hay phá dỡ cấu kiện, cứu người mắc kẹt trong đám cháy làm giảm nguy cơ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người cũng như tài sản. Trong thời gian triển khai, hàng chục sự cố cháy xảy ra trên địa bàn Phòng phụ trách đã được xử lý kịp thời như, sự cố cháy do chập điện vào tối 21-12 tại nhà số 10, ngách 32, ngõ Kiến Thiết (phường Thổ Quan, quận Đống Đa).
Thượng sĩ Phùng Văn Trung, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2 cho biết, phương tiện được trang bị trên xe máy cũng giống như phương tiện trên xe chữa cháy nên dễ dàng sử dụng. Đồng thời, ngoài chức năng chữa cháy, xe máy chữa cháy còn được Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2 sử dụng với mục đích tuyên truyền an toàn phòng cháy, chữa cháy trực quan cho người dân.
Tiếp tục nhân rộng
Có mặt tại hiện trường vụ cháy tại nhà số 10, ngách 32, ngõ Kiến Thiết, tham gia và chứng kiến cách xử lý, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chủ tịch UBND phường Thổ Quan (quận Đống Đa) đánh giá cao tính năng cũng như hiệu quả của xe máy chữa cháy do Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cải tiến. Phường Thổ Quan có nhiều ngõ, ngách nhỏ, sâu, lực lượng chữa cháy cơ sở dù có khả năng cơ động cao nhưng lại thiếu thốn về phương tiện và còn hạn chế về kỹ năng chữa cháy ban đầu. Do đó, mô hình xe máy chữa cháy cần được nhân rộng đến cấp phường, tập huấn, trang bị cho lực lượng chữa cháy cơ sở để có thể phản ứng nhanh, phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn.
Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy cho rằng, xe máy chữa cháy tuy phát huy hiệu quả cao trong công tác phòng cháy, chữa cháy từ khi được áp dụng nhưng cũng có những nhược điểm cần được khắc phục. Việc sử dụng loại phương tiện cải tiến từ xe máy thông thường nên loại xe này có nhược điểm là khi đổ xăng, bộ giá đỡ phải được tháo ra để có thể mở yên xe, gây bất tiện nếu phải cơ động chữa cháy ở địa điểm xa. Ngoài ra, hiện chưa có quy định về chính sách cho chiến sĩ điều khiển xe máy chữa cháy gặp tai nạn, sự cố đáng tiếc trong khi thực hiện nhiệm vụ. Hiện, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đang nghiên cứu và áp dụng những chế độ, chính sách phù hợp đối với loại phương tiện này.
Cũng theo Đại tá Trần Văn Vụ, việc đưa xe máy chữa cháy vào thí điểm tại Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1 và số 2 nhằm mục đích nhân rộng mô hình này đến tất cả các quận nội thành, góp phần giảm thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.