Năm 2023, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều sáng kiến hay và giải pháp, cách làm tốt tại các đơn vị, địa phương.
Từ những mô hình này, Hà Nội đã chủ động thực hiện Đề án 06, qua đó phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí
Vì một số lý do nên chị Nguyễn Thị Thu Hà (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) phải làm lại giấy khai sinh. Cuối năm công việc bận rộn, nên chị Hà không có thời gian đến UBND xã thực hiện thủ tục đăng ký lại khai sinh. Được biết có “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24h” tại Nhà văn hóa thôn Vĩnh Ninh, chị Hà tranh thủ giờ nghỉ trưa đến thực hiện thủ tục. “Tôi thấy mô hình này rất thuận tiện cho người dân”, chị Hà nói.
Theo UBND huyện Thanh Trì, đến nay, toàn huyện đã thành lập được 23 “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24h” tại 16 xã, thị trấn từ nguồn kinh phí xã hội hóa; đã hỗ trợ trên 2.000 lượt công dân thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID 24/24 giờ.
Bên cạnh mô hình của huyện Thanh Trì, sự xuất hiện của công nghệ ChatGPT (hệ thống chatbot được thiết kế nhằm mô phỏng lại các cuộc trò chuyện với người dùng thông qua nền tảng internet dựa trên khoa học công nghệ GPT-3) đã mang đến động lực cho quận Cầu Giấy trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính. Đây cũng là địa phương đầu tiên của Hà Nội áp dụng mô hình này.
Theo đó, AI (trí tuệ nhân tạo) chatbot sẽ hỗ trợ với độ tin cậy, tính sẵn sàng cao (có thể hỏi - đáp 24/7), giúp người dân tiếp cận một cách dễ dàng với dịch vụ công, đồng thời tạo tiền đề cho việc ứng dụng AI vào nhiều lĩnh vực khác. Việc ứng dụng AI đã giúp 30 vạn dân, hơn 22.000 doanh nghiệp, hơn 9.500 hộ kinh doanh trên địa bàn quận thuận lợi hơn trong tiếp cận thủ tục hành chính.
Thực hiện bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” với mô hình triển khai phần mềm lưu trú ASM, Thượng tá Võ Xuân Đương, Phó Trưởng Công an quận Ba Đình cho biết, trên địa bàn quận hiện có khoảng 200 cơ sở lưu trú đã sử dụng phần mềm này.
Phó Trưởng phòng Kế hoạch lễ tân Nhà khách La Thành (quận Ba Đình) Nguyễn Hương Giang cho biết, phần mềm ASM này giống như một hệ thống quản lý khách sạn thu nhỏ, biết được bao nhiêu phòng có khách lưu trú, khách vào - ra cơ sở. Với phần mềm này, nhân viên khách sạn chỉ cần khai báo các thông tin liên quan trên mạng, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí.
“Đặc biệt, phần mềm còn giúp chúng tôi phân biệt căn cước công dân giả - thật, đề phòng khách lưu trú là các đối tượng có thể gây mất an ninh, an toàn cho cơ sở”, chị Nguyễn Hương Giang nói.
Tiếp tục ứng dụng các mô hình trong thực tiễn
Thời gian qua, thành phố đã triển khai và nhân rộng nhiều sáng kiến hay, cách làm tốt từ các đơn vị, địa phương, đặc biệt từ các thôn, tổ dân phố, được Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đánh giá cao. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã xây dựng và trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết về mức thu phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến bằng “0” đến hết năm 2025. Với quy định này, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện 28 mô hình điểm để triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06. Trong đó có 3 mô hình thuộc nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 14 mô hình thuộc nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội, 8 mô hình thuộc nhóm tiện ích phục vụ công dân số… Đặc biệt, Hà Nội sẽ triển khai mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố; mô hình “phi địa giới” trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ công dân cấp huyện; mô hình trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường.
Bước đầu triển khai thí điểm mô hình Trung tâm Hành chính công “phi địa giới” cấp phường tại UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long thông tin, đến cuối tháng 12-2023 đã có hơn 300 hồ sơ được thực hiện thành công bằng mô hình này.
Hà Nội cũng tiếp tục thí điểm việc quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ; thực hiện đánh giá kết quả thí điểm, báo cáo Chính phủ để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, thành phố sẽ thí điểm hệ thống quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.
UBND thành phố cũng đã kiến nghị Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ cho phép Hà Nội được thí điểm phương án xác định đơn giá, định mức cho nội dung thuê dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận, hướng dẫn, số hóa, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" trên địa bàn cũng như các cơ chế đặc thù cần thiết. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã đề nghị được phép triển khai thí điểm việc xây dựng khung kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.