Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sang không đúng cách

ANHTHU| 20/07/2005 09:32

Sống dầu đèn, chết kèn trống”. Theo lệ xưa, một người qua đời, từ khi phát tang, thế nào cũng có kèn và trống. Khi những âm thanh này vang lên, được coi là báo hiệu cho dân làng biết để họ đến chia buồn, phúng viếng.

“Sống dầu đèn, chết kèn trống”. Theo lệ xưa, một người qua đời, từ khi phát tang, thế nào cũng có kèn và trống. Khi những âm thanh này vang lên, được coi là báo hiệu cho dân làng biết để họ đến chia buồn, phúng viếng. Trong thời gian tang lễ, cùng với kèn trống còn có phường bát âm hòa tấu các bản Lưu thủy, Ngũ đối, Già lam.. Nhà sang hơn có mời thêm hội tùng dinh. Trước nay ở nông thôn, dẫu không có một quy định cụ thể nào nhưng để khỏi ảnh hưởng đến xóm giềng, những âm thanh này chỉ kéo dài đến 11 giờ đêm là cùng.

Hơn 10 năm trước, lợi dụng kỹ thuật điện tử, một số nhà đã dùng máy tăng âm và loa phóng thanh để kích nhạc hiếu.Thế là, những âm thanh buồn thảm, nhiều khi đan xen cả những lời khóc mướn được phóng to gấp nhiều lần đã làm ầm ĩ cả phố, cả làng. Chưa hết, mấy năm gần đây, để cho oai hoặc cả vì sĩ diện nữa, người ta còn thuê cả dàn kèn đồng cử nhạc. Những âm thanh mạnh mẽ phát ra từ cây kèn sángloáng đã lấn lướt tiếng nhị, tiếng sáo, tiếng trống bồng của dàn bát âm êm dịu.

Tưởng rằng sự trái khoáy này chỉ diễn ra ở một số nhà khá giả do phú quý mà sinh lễ nghĩa, đáng tiếc là gần đây, đã thấy hiện tượng này lần đầu tiên xuất hiện trong một đám tang ở quận Hoàng Mai. Không hiểu từ nguyên cớ nào, người ta bổ sung vào đội hình một dàn kèn đồng và trống gồm 23 nhạc công. Những người ở đội quân chuyên nghiệp này vận đồng phục màu trắng, đầu đội mũ kê-pi, cổ thắt cà vạt đỏ, họ đi đầu đám tang, thỉnh thoảng lại tấu những điêu nhạc hết sức hùng dũng làm sôi động phố phường.

Hiện tượng mới lạ vừa nêu đã làm cho những người hiếu kỳ ở hai bên mặt phố và cả những người đi đường dừng lại xem. Họ hỏi nhau, khi biết người mất chẳng phải theo công giáo thì rất ít người đồng tình với cách làm trên.

Người Việt mình coi nghĩa tử là nghĩa tận và sẵn sàng bỏ qua những khiếm khuyết. Nhưng cách tân thái quá như vừa nêu đã gây nên thái độ phản cảm của xã hội về thói học làm sang không đúng cách. Thiết nghĩ, giữ được nét riêng bình dị mà độc đáo, đặc biệt là nhạc hiếu trong đám tang của người Việt cũng là cách giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam vậy. Chính quyền sở tại cần quan tâm, không nên dễ dãi bỏ qua chuyện này.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sang không đúng cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.