(HNM) - Chỉ trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp (DN) đã giải thể và dừng hoạt động tiếp tục tăng mạnh, lên đến 17.735 DN, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là thách thức lớn với ngành điện. Không chỉ đơn giản là các doanh nghiệp ngừng sản xuất thì chỉ là không dùng điện, mà quan trọng hơn khi doanh nghiệp bị phá sản, tiền điện thu được chỉ là những con số trên giấy.
Khi nhiều nhà máy sản xuất thép hoạt động cầm chừng, sản lượng điện tiêu thụ giảm rõ rệt. Ảnh: Huy Hùng |
Nỗi khổ thu tiền điện khi 30% doanh nghiệp phá sản
Công ty Điện lực Hải Phòng là một điển hình của nỗ lực để "vượt qua bể dâu" trong việc thu tiền điện khối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thép. Lượng điện tiêu thụ của doanh nghiệp càng lớn, nỗi lo càng lớn. Một nhà máy thép ở Hải Phòng có thể tiêu thụ bằng cả tỉnh Thái Bình, chẳng may doanh nghiệp phá sản thì coi như điện lực cũng "phá sản" theo.
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng Trần Ngọc Quỳnh trần tình về những khó khăn mà điện lực đang phải gánh chịu: Tiếp nối những khó khăn của năm 2011, 6 tháng đầu năm 2012 lượng tồn kho trong các doanh nghiệp càng lớn hơn, một số doanh nghiệp tiêu thụ điện với sản lượng lớn phải dừng hoạt động, như: Thép Vạn Lợi, Việt Ý, Đình Vũ, Cửu Long… đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Điện lực Hải Phòng. Sản lượng điện tiêu thụ giảm, doanh thu giảm, nhưng tỷ trọng điện sinh hoạt lại tăng khiến cho tổn thất tăng theo, nên mặc dù anh em Công ty Điện lực Hải Phòng rất tích cực trong việc áp đúng giá bán điện cho từng thành phần phụ tải để nâng giá bán bình quân đạt kế hoạch giao nhưng chỉ riêng việc Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi đang lâm vào tình trạng phá sản để lại khoản nợ khó đòi khoảng 15 tỷ đồng và hơn 3 tỷ đồng nợ đọng của Công ty cổ phần Khí Vạn Lợi khiến cho Công ty Điện lực Hải Phòng càng thêm khó khăn.
Với số doanh nghiệp giải thể và ngừng sản xuất lên tới 17.735 doanh nghiệp, nhưng con số nợ khó đòi tiền điện mới chỉ phát hiện ra ở một doanh nghiệp cho thấy khó khăn thực sự của ngành điện. Trong điều kiện hiện nay, nếu các đơn vị phân phối điện để xảy ra những khoản nợ khó đòi quá lớn sẽ gây thêm sức ép về thiếu vốn cho các công trình trọng điểm.
Công nhân Công ty Điện lực Hà Nội tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa trạm biến áp 110KV Văn Điển nhằm tránh thất thoát điện năng. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Khi kinh tế suy giảm…
Năm 2010 và 2011, thiếu điện nghiêng ngả, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải rà soát lại tất cả các thành phần phụ tải, từ tăng trưởng, quy hoạch của các ngành kinh tế, đặc biệt là những ngành có sản lượng tiêu thụ điện lớn và đã phát hiện được một trong những nguyên nhân khiến cho tăng trưởng phụ tải cao ngoài tính toán và gây thiếu điện một cách bất thường là do tình trạng phá vỡ quy hoạch thép. Ngay sau đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương cho rà soát lại quy hoạch thép và kết quả đúng là quy hoạch thép bị phá vỡ. Song, ngành thép vẫn không "tâm phục khẩu phục" với kết luận của EVN. Thiếu điện thì cắt điện sinh hoạt để dành điện cho sản xuất. Rồi những ngày nóng bức cũng qua đi, dư luận cũng dịu lắng khi tiết trời vào đông. Năm 2012, kinh tế suy giảm, điện chưa thừa nhưng không thiếu nên "không cắt điện toàn quốc". Nhưng chính trong lúc không thiếu điện thì lại thấy rõ nét hơn thủ phạm gây thiếu điện của 2 năm trước. Đó là khi các nhà máy sản xuất thép, xi măng bị tồn kho sản phẩm và dừng hoặc giảm sản xuất thì sản lượng tiêu thụ điện giảm rõ rệt. Theo thống kê thì số nhà máy thép ngừng sản xuất chắc không bằng số nhà máy thép xây dựng và đi vào hoạt động ngoài quy hoạch.
EVN cho biết, tiêu thụ điện của hai ngành sản xuất sắt thép, xi măng trong quý I-2012 vẫn chiếm sản lượng lớn, với tỷ trọng hơn 10% mức tiêu thụ điện của cả nước. Trong đó, các nhà máy xi măng đã tiêu thụ 1,116 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 4,88% điện thương phẩm. Các nhà máy thép tiêu thụ 1,264 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 5,53% điện thương phẩm.
Các mức tiêu thụ điện như trên được đánh giá vẫn là cao trong bối cảnh nhiều nhà máy thép, xi măng hoạt động ngưng trệ, sản xuất đi xuống, như xi măng sản xuất giảm 6,5%, tiêu thụ giảm 9,5%, sắt thép sản xuất giảm tới 8,9% và tiêu thụ giảm 2,2% trong 4 tháng đầu năm. Nếu mức tiêu thụ điện như vậy được duy trì trong 3 quý tới, cả năm ngành thép có thể tiêu thụ tới hơn 5 tỷ kWh và ngành xi măng cũng có thể ngốn tới gần 4,5 tỷ kWh. Mức tiêu thụ điện chung của 2 ngành này sẽ vào gần 9,5 tỷ kWh.
Nhận rõ nhất là ở Thái Nguyên và Hải Phòng là hai địa phương được gọi là "thành phố công nghiệp" với nhiều nhà máy sản xuất thép. 6 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm của Công ty Điện lực Thái Nguyên chỉ đạt 46,2% kế hoạch, trong đó, Điện lực thị xã Sông Công là nơi có thành phần phụ tải công nghiệp xây dựng khá cao, chiếm tới 90,19% do đó sản lượng điện thương phẩm chỉ đạt 42,21%.
Trên địa bàn Hải Phòng, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng giảm sản lượng tiêu thụ điện, như: Công ty Xi măng Hải Phòng giảm 6,99 triệu kWh, Công ty Thép Việt Ý giảm 15,37 triệu kWh, Công ty Thép Cửu Long giảm 11,09 triệu kWh, Công ty Thép POSCO giảm 5,29 triệu kWh, Công ty Thép Vạn Lợi ngừng hoạt động không sử dụng điện…
Đây chính là lý do mà nhiều lần, ngành điện lên tiếng kêu thép và xi măng vỡ quy hoạch, đã gây sức ép lên cung ứng điện quốc gia vào năm 2010 và 2011.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.