(HNM) - Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục phục hồi tích cực, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3% trong quý I-2022, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng kinh tế chung của Thủ đô. Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022.
Sản xuất công nghiệp tăng 5,3%
Kết thúc quý I-2022, lượng đơn đặt hàng của Tổng công ty May 10-CTCP tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10-CTCP Thân Đức Việt, các đơn hàng đã ký kết đến hết quý II-2022. Ngoài ra, các mặt hàng chính như veston và sơ mi có đơn đặt hàng đến hết quý III-2022. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng May 10 đang chuẩn bị tuyển thêm 3.000-5.000 lao động cho các dự án mới tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Thái Bình.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Karofi (quận Hoàng Mai), trong quý I-2022, đã đạt mức tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Karofi Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, Karofi mở rộng sản xuất điều hòa không khí bên cạnh sản phẩm truyền thống là máy lọc nước. “Với tình hình hiện nay, chúng tôi tin rằng, mức tăng trưởng trong năm 2022 sẽ khả quan. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu đạt 500-1.000 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy nói.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) trong quý I-2022 đã tăng 5,83% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng cao hơn so với mức tăng chung của cả nước, trong đó, ước tính giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp là 5,74%, đóng góp 0,74% vào mức tăng chung. Trong quý I-2022, sản xuất công nghiệp phục hồi khá tích cực, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,9%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,8%; khai khoáng tăng 14,7%. Một số ngành có mức tăng khá là dệt may, đồ gỗ, chế tạo phụ tùng, thiết bị…
Đây là kết quả của việc thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo nghị quyết của Chính phủ. Thực tế, dù số ca nhiễm Covid-19 ở mức cao nhưng được kiểm soát hiệu quả đã giúp thành phố tiếp tục mở cửa nền kinh tế, bảo đảm cung - cầu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất và chuỗi cung ứng, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh...
Quyết liệt thực hiện các giải pháp
Quý II và những tháng còn lại của năm 2022, kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động bởi tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Để phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 7% đến 7,5% trong năm 2022, tại hội nghị giao ban công tác quý I-2022 của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh 3 nội dung cần thực hiện ngay là: Bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu, phát huy tối đa các nguồn lực, tăng cường hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu; chọn từng việc cụ thể, giải quyết dứt điểm, lan tỏa ngay để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Ở góc độ ngành Công Thương, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trước mắt, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thúc đẩy phục hồi, phát triển hoạt động dịch vụ thương mại, các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; tăng sức mua của thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đồng thời, triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. "Năm 2022, thành phố dự kiến thành lập mới 10-15 cụm công nghiệp; khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp, tạo mặt bằng để doanh nghiệp phát triển sản xuất", bà Trần Thị Phương Lan nêu.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn thông tin, Sở tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tới đây, Hà Nội sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, tiếp tục hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn miễn phí cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trong quá trình triển khai dự án…
Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghiệp cũng đã và đang có những giải pháp để thúc đẩy phát triển bền vững. Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Quang cho hay, đơn vị đã đề ra giải pháp mở rộng nhóm ngành hàng, phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, ít phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào, đi đôi với đẩy mạnh bán hàng trực tuyến để giảm bớt tác động từ bên ngoài. Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Quang, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố Hà Nội, như việc miễn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính…, giúp doanh nghiệp tiếp cận cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.