Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất công nghiệp của Hà Nội: Phục hồi đà tăng trưởng

Thanh Hải| 27/04/2021 06:02

(HNM) - Với mức tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020, có thể thấy sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội trong quý I-2021 đã phục hồi. Kết quả đó có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, từng đơn vị cần chủ động tìm giải pháp tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng.

Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp đạt 9%. Trong ảnh: Sản xuất đồ gia dụng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Nhật Nam

Những tín hiệu khả quan

Thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May 10 Thân Đức Việt cho biết, đơn vị đã có đơn hàng đến hết tháng 4-2021. Đáng chú ý, mặt hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7 và tháng 8-2021. Đó là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi của lĩnh vực dệt may, nhất là khi loại hàng hóa này đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái cơ cấu sau khủng hoảng dịch Covid-19.

Còn tại Cụm công nghiệp ô tô 1-5 (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh), tất cả 13 doanh nghiệp đều đang duy trì hoạt động. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường Lê Thanh Thủy thông tin, nhờ chính quyền thành phố làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ được triển khai kịp thời, nên hoạt động sản xuất đã được khôi phục. “Thời điểm này, doanh nghiệp đang nỗ lực tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy sản xuất, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất”, ông Lê Thanh Thủy nói.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2021 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, các doanh nghiệp của Hà Nội nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I-2021 đã tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 19,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất tăng 18%; sản xuất đồ uống tăng 14,4%...

Tín hiệu khả quan trong quý I-2021 còn thể hiện ở việc có 68,6% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh giữ ổn định và tốt hơn so với quý IV-2020 (tỷ lệ tương ứng ở quý I-2020 là 58%). Tỷ lệ doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới và khối lượng sản xuất quý I-2021 so với quý IV-2020 tăng là 69,5% và giữ ổn định là 68% (tỷ lệ tương ứng ở quý I-2020 là 61,4% và 60,5%).

Có được kết quả trên trước hết nhờ Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện duy trì sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như: Giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại nợ ngân hàng, kích cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh đầu tư công… đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp duy trì dòng tiền, tạo đầu ra cho sản phẩm. Mới nhất, Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách giãn, hoãn thuế năm 2021, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Sản xuất điện thoại Vsmart của Vingroup, Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất).

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

Theo Sở Công Thương Hà Nội, lãnh đạo thành phố, các cấp, ngành đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ  doanh nghiệp duy trì sản xuất. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lãnh đạo thành phố Hà Nội đều có các cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp; Sở Công Thương cũng tổ chức các đoàn công tác làm việc tại các cụm công nghiệp để nắm bắt tình hình.

Mặc dù có những tín hiệu tích cực, nhưng nhiều doanh nghiệp nhận định, năm 2021 vẫn là năm khó khăn do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Theo ông Lê Thanh Thủy, những rủi ro từ dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thiếu tính ổn định. Do đó, công tác phòng, chống dịch cần phải duy trì sát sao, liên tục… Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa như Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường mong được hỗ trợ mặt bằng sản xuất tại cụm công nghiệp phù hợp với nhu cầu, khoảng 2.000-3.000m2 thay vì phải đầu tư ít nhất 5.000m2 theo quy định. Còn Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Cơ khí xây lắp thương mại Minh Cường Dương Minh Cường kiến nghị, bên cạnh chính sách thuế, doanh nghiệp mong được hỗ trợ giảm lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay, gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội...

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, năm 2021, thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt 9%. Để đồng hành với doanh nghiệp, Sở Công Thương đã báo cáo, đề xuất thành phố triển khai các giải pháp hỗ trợ, như: Tạo điều kiện về mặt bằng để doanh nghiệp ổn định sản xuất, hỗ trợ về thủ tục hành chính, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm... Riêng về mặt bằng sản xuất, năm 2021, thành phố sẽ tiếp tục thẩm định 16 cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập.

Tại hội nghị giao ban kiểm điểm công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II-2021, UBND thành phố Hà Nội nêu rõ 2 nhóm nhiệm vụ chung, 22 nhiệm vụ cụ thể phân công cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Trong đó, UBND thành phố yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thực hiện quyết liệt “mục tiêu kép”, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố quý II, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo và 9 tháng cuối năm 2021.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất công nghiệp của Hà Nội: Phục hồi đà tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.