Bộ GD&ĐT đã đề xuất nhiều cải tiến cho kỳ thi tốt nghiệp TH phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học (TSĐH) cho năm 2014 và một số năm tới. Nhiều đề xuất nhằm từng bước thực hiện Nghị quyết của Trung ương về Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT như:
Mức tối thiểu để được tuyển chọn, dù có được quy định tường minh hay không, thường tồn tại trong bất kỳ cuộc tuyển chọn nào. Có thể gọi đó là mức "sàn", nếu quy định bằng điểm của các bài thi thì đó là điểm "sàn" như điểm sàn của kỳ thi "ba chung" chẳng hạn. Vì muốn bỏ điểm "sàn" trong kỳ thi này, một số quan chức và lãnh đạo Bộ GD&ĐT lại đưa thêm khái niệm "ngưỡng". Theo giải thích thì khi bỏ điểm "sàn", Bộ sẽ định ra những tiêu chí để các trường đại học không được tùy tiện tuyển sinh đầu vào quá thấp.
Hình hài của các “ngưỡng” này ra sao thì chưa ai hình dung được vì nó đang ở giai đoạn "thai nghén"! Chỉ đoán rằng có lẽ nó không phải đơn giản là điểm số mà phải là một hệ tiêu chí tổng hợp và toàn diện về năng lực của thí sinh được tuyển. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã khen ngợi cái "ngưỡng" này của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi chưa biết hệ tiêu chí này, nhưng chắc chắn nó phải rất "vĩ đại"! Qua hơn nửa thế kỷ, cả ngành học phổ thông còn chưa xác định nổi một cái "chuẩn kiến thức" cho hệ thống 12 năm (nếu không muốn nói là còn đang ở tình trạng "loạn chuẩn". Thật khó tưởng tượng nổi, chỉ trong một vài tháng nữa, sẽ có một bộ chuẩn toàn diện, lý tưởng. Có lẽ, "sáng kiến" đó chỉ để dẹp yên nhất thời những thắc mắc về một chủ trương chưa được tính toán thấu đáo.
Cũng chính vì vậy mà trong một hội nghị bàn về "sàn" và "ngưỡng" mới đây, một số trường đại học lại đề xuất đến 4 hoặc 5 mức "sàn" A, B, C, D… Thậm chí, trong số đó còn có "sàn" vào các trường trung cấp. Thật kỳ lạ khi mà học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) đã được vào học trung cấp thì học sinh có bằng THPT (lớp 12) lại phải bước lên một sàn cao hơn để được vào trường này.
Rắc rối quá! Vì sao càng nghĩ, càng bàn mà lại đi vào ngõ cụt như vậy? Xin "bắt mạch" thử, may ra kê được một đơn thuốc chữa khỏi bệnh trong trường hợp này.
Năm nào cũng có một kỳ thi quốc gia mà nhiều người thấy không thể bỏ, đó là kỳ thi THPT cuối 12 năm học. Dù còn phải khắc phục nhiều tiêu cực, cần phải cải tiến và đổi mới, nhưng tác dụng và giá trị của nó là rất lớn. Đây là cái "ngưỡng" đáng được tin cậy. Có lẽ, chính Bộ GD&ĐT và một số không ít trường đại học đã không tin vào kết quả này. Điều trớ trêu là Bộ GD&ĐT đã không tin vào việc làm của chính mình. Còn nếu trường đại học nào không tin ở "ngưỡng" này, họ có thể tuyển sinh riêng, Bộ cho phép cơ mà!
Vậy thì, với tư cách một nhà giáo lâu năm, tôi xin bày tỏ: "Người lớn chúng ta - những người đã từng qua tuổi học trò đừng quá chê trách sản phẩm giáo dục của chúng ta. Ngày nay, con em chúng ta đang có nhiều vượt trội cả về kiến thức và hiểu biết xã hội. Hãy tin là con em chúng ta có thể học được và tiếp tục phát triển được năng lực, sở trường trên nền tảng kiến thức phổ thông, trong một môi trường học tập thích hợp. Xin kiến nghị với Bộ GD&ĐT: "Hãy khẳng định "ngưỡng" hay "sàn" kỳ thi TSĐH là bằng THPT" và "Hãy để các trường đại học tự xác định "ngưỡng" hay "sàn" tuyển sinh của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.