(HNM) - Đến lúc này, mọi chuẩn bị cho công tác bầu cử trên toàn địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn tất. Ngày bầu cử đã cận kề. Trên các nẻo đường, từ thành phố đến các thôn bản xa, chúng tôi ghi nhận không khí tưng bừng, náo nức của người dân đang hướng về ngày hội lớn, ngày toàn dân bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021… Tất cả đã sẵn sàng đón ngày hội lớn.
Các thành viên Tổ bầu cử số 1, xã An Thượng, huyện Hoài Đức đặt hòm phiếu chuẩn bị cho ngày bầu cử. |
Từ cửa ngõ Thủ đô...
Cổng chào huyện Hoài Đức trong những ngày này thắm tươi màu cờ đỏ, người dân đã quen lắm với những hình ảnh cổ động cho ngày bầu cử 22-5. Ngay từ sáng, hệ thống loa truyền thanh các xã đã rộn ràng vang tiếng phát thanh viên tuyên truyền cho ngày hội lớn. Tính đến nay, toàn bộ 168 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn 20 xã, thị trấn của huyện Hoài Đức đã sẵn sàng cho ngày bầu cử. Đầu giờ sáng 20-5, tại khu vực bỏ phiếu số 1, thôn Đào Nguyên (xã An Thượng) phần việc cuối cùng là trang trí phòng bỏ phiếu, đặt hòm phiếu đã được Tổ bầu cử số 1 hoàn thành. Ông Nguyễn Văn Khánh (70 tuổi), Thư ký Tổ bầu cử chia sẻ: "Chúng tôi phấn khởi và tự hào khi làm nhiệm vụ vì được góp một phần công sức nhỏ bé cho ngày hội toàn dân thành công tốt đẹp". Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử (UBBC) xã An Thượng Nguyễn Chí Lương cho biết: "Xã An Thượng triển khai trang trí đồng nhất ở 9 khu vực bỏ phiếu; quét sơn, thay "áo mới" cho 6 nhà văn hóa. Đề phòng sự cố mất điện, UBBC xã đã thuê 9 máy phát điện đặt tại các điểm bỏ phiếu".
Tại huyện Thanh Trì, 63 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, trong đó nữ chiếm tỷ lệ 38,1%; người dưới 35 tuổi chiếm 23,8%. Đây là những con số được quan tâm, bởi cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ, mong họ trở thành những đại biểu nhiệt huyết, trách nhiệm. Về công tác bảo đảm an ninh trật tự, Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Trì Chử Minh Quân cho biết: An ninh trật tự được đề cao trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, lực lượng công an còn tăng cường quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị… Công tác chuẩn bị bầu cử tại huyện Thanh Trì diễn ra nghiêm túc, đúng tiến độ.
Phường Phúc La, quận Hà Đông có nhiều đơn vị quân đội và bệnh viện như: Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Viện Bỏng quốc gia… với hơn 6.000 cử tri. "Đến nay, việc tập huấn bầu cử cho các đơn vị quân đội trên địa bàn đã hoàn tất. UBBC phường Phúc La lưu ý các bệnh viện trong ngày bầu cử, nếu bệnh nhân nội trú có nguyện vọng bỏ phiếu tại bệnh viện thì bệnh viện sẽ có trách nhiệm báo với tổ bầu cử để bổ sung danh sách, tránh trường hợp một cử tri đăng ký bỏ phiếu ở hai nơi" - Chủ tịch UBND phường Phúc La Nguyễn Đức Tiến cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thục, cử tri Thôn Chợ, xã Bình Minh (Thanh Oai) vừa kê lại bàn ghế trong hội trường Nhà văn hóa Thôn Chợ, vừa vui vẻ nói: Sáng nay, sau giờ chơi thể thao, nhiều người dân đã nán lại đọc tiểu sử tóm tắt các ứng cử viên (UCV). Câu chuyện của họ xoay quanh việc chọn người có tâm, có tài. Tôi nhận thấy, các UCV đều đủ tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ chọn người gánh vác được công việc của làng, của xóm và mong muốn người đắc cử phải giữ đúng lời hứa, nói phải đi đôi với làm…
... đến những bản làng xa
Quá trưa, nhóm phóng viên chúng tôi dừng chân ở đất Mường Hương, xã Yên Trung (huyện Thạch Thất). Tại khu vực bầu cử của thôn được chính quyền và người dân trang hoàng trang trọng... Từ sáng, ông Nguyễn Tiến Thành đã tạm gác công việc gia đình để cùng một số cán bộ thôn, bản tập trung trang trí điểm bầu cử. Trong tâm trạng phấn khởi, ông Thành nói: "Địa bàn Thôn Hương nói riêng và xã Yên Trung nói chung còn nhiều khó khăn, vì thế mong rằng các đại biểu trúng cử sẽ giúp nhân dân trong xã từng bước xóa đói nghèo, vươn lên phát triển".
Nhận 6ha đất rừng sản xuất, dù bận nhiều công việc nhưng sáng nay ông Thành vẫn dặn vợ và 2 người con tiếp tục theo dõi tin tức, nghiên cứu tiểu sử các UCV để chọn được đại biểu xứng đáng: "Mình không tìm hiểu kỹ sẽ mất quyền lợi, vì thế lá phiếu của mỗi người là thể hiện tình cảm, trách nhiệm cùng những hy vọng cho thôn, bản phát triển trong thời gian tới". Bí thư Đảng ủy Hoàng Phương, Chủ tịch UBBC xã Yên Trung cho biết, gần 80% cử tri là người dân tộc thiểu số trong xã đã được nhận thẻ cử tri. Đến thời điểm này, chúng tôi đã ở tâm thế sẵn sáng cho ngày hội lớn…
Ông Nguyễn Như Đạt, Phó Chủ tịch HĐND huyện, Phó Chủ tịch Thường trực UBBC huyện Thạch Thất cho biết: Huyện Thạch Thất có 5,4% cử tri là đồng bào dân tộc Mường tập trung ở các xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân. Sau 8 năm hợp nhất vào Hà Nội, đồng bào dân tộc ở đây rất phấn khởi, bà con háo hức chờ đợi đến ngày được đi bỏ phiếu. Để cử tri hiểu rõ hơn quyền lợi của mình, Phòng Tư pháp huyện đã tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền về Luật Bầu cử, đồng thời tổ chức nhiều buổi trợ giúp pháp lý miễn phí ở khu dân cư và những địa bàn xa trung tâm. Đến nay, chúng tôi đã chuẩn bị xong mọi việc. Song, công tác kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các tình huống phát sinh vẫn được quan tâm…
16h chúng tôi ngược lên huyện Ba Vì đến xã người Mường Khánh Thượng - một địa phương xa trung tâm nhất của thành phố. Xã Khánh Thượng có 7 đơn vị bầu cử, trong đó đơn vị số 5 gồm bản Mường Sui Quán và Mít là xa nhất, nằm ngay dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm xã từ 5 đến 8km. Điểm đặt hòm phiếu bầu cử của đơn vị số 5 tại Nhà văn hóa Thôn Mít là khu vực trung tâm, giao thông thuận tiện cho những cử tri ở nơi xa nhất đến tiếp nhận thông tin và bỏ phiếu. Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết, vì địa bàn trải rộng, khu vực dân cư thưa thớt cộng với giao thông đi lại khó khăn nên công tác tuyên truyền bầu cử rất được chú trọng. Đến thời điểm này mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất; hơn 5.500 cử tri đã nhận thẻ cử tri; việc trang trí khánh tiết sẽ xong trước tối nay.
Tại xã Nam Phương Tiến, một địa phương nằm cách khá xa trung tâm huyện Chương Mỹ, không khí đón ngày bầu cử cũng rất náo nức. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huy Phong cho biết, những khu vực bỏ phiếu cách trung tâm xã từ 8 đến 10km như Núi Bé, Đồi Mít, Đồi Miễu, địa phận giáp ranh với tỉnh Hòa Bình đến chiều nay đã hoàn tất mọi công việc cho ngày bầu cử. Vì diện tích rộng (trên 1.600ha) nên 9 khu vực bỏ phiếu tương đối cách xa nhau, để bảo đảm công tác chuẩn bị bầu cử, ngoài tuyên truyền về trực quan, trên đài truyền thanh, xã đã chỉ đạo tổ chức một xe ô tô tuyên truyền lưu động trong nhiều ngày. Ông Nguyễn Tự Thức, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 6, thôn Đồi Mít cho biết: "Mấy hôm nay chúng tôi phân công thành viên tổ bầu cử và đội an ninh xã trực 24/24 giờ ở khu vực bỏ phiếu để đón tiếp nhân dân và bảo đảm an ninh".
Tối 20-5, chúng tôi có mặt tại huyện Phúc Thọ. Ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Tính đến chiều nay, mọi công việc cho ngày bầu cử đã hoàn tất. Trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử, chúng tôi đã sâu sát, nắm bắt tình hình các địa phương và chỉ đạo giải quyết nhanh, kịp thời mọi vướng mắc. Thông tin về cuộc bầu cử được tuyên truyền đến người dân qua nhiều kênh và đăng tải đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của UBND huyện và phát trên hệ thống Đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở. Chúng tôi sẽ phát động nhân dân các địa phương tham gia tổng vệ sinh để ngày bầu cử diễn ra trong không khí trang trọng và nghiêm túc.
Sau một hành trình dài qua nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa của thành phố, chúng tôi nhận thấy mọi chuẩn bị cho công tác bầu cử đã hoàn tất. Ngày bầu cử đã cận kề, hứa hẹn một kỳ bầu cử thành công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.