Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Cần giá trị kinh tế, mỹ thuật cao

Thanh Hiền| 26/10/2016 06:42

(HNM) - Vài năm trở lại đây, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn từ các sản phẩm tương tự của nước ngoài.

Mẫu mã đơn điệu

Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước (1.350 làng có nghề). Với truyền thống lâu đời, những sản phẩm độc đáo đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Có hàng trăm làng nghề TCMN đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng nghìn tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các sản phẩm TCMN Hà Nội phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn từ các sản phẩm tương tự của nước ngoài. Bên cạnh đó, phần lớn làng nghề “mạnh ai nấy làm”, không tính đến định hướng lâu dài, nên nhiều làng nghề của Hà Nội rơi vào cảnh đình trệ sản xuất, mất dần các đơn hàng xuất khẩu.

Nếu trước đây, các làng nghề của Hà Nội như Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Phú Vinh, Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ)… được mệnh danh là các làng "tỷ phú" với những container hàng xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Nga…, thì những năm gần đây, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, không ít gia đình phải bỏ nghề tìm việc khác.

Cha con nghệ nhân mây tre đan Nguyễn Văn Tĩnh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) thiết kế mẫu mới trên máy tính. Ảnh: Bá Hoạt


Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do kinh tế thế giới suy thoái, đối tác nước ngoài giảm đơn hàng nhập khẩu, song một nguyên nhân quan trọng không kém là do các mặt hàng TCMN Hà Nội thiếu tính sáng tạo về mẫu mã. Ông Nguyễn Anh Dũng, một nghệ nhân nghề mây tre giang đan ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ cho biết, đa phần sản phẩm ở làng nghề được làm theo kiểu "cha truyền, con nối", nên lao động chỉ thiên về kỹ thuật, sự khéo léo, chứ không mấy ai nghĩ làm ra sản phẩm mới.

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các sản phẩm xuất khẩu phần lớn chỉ dừng ở gia công theo mẫu có sẵn của đối tác gửi sang, hoặc làm “nhái” mẫu nước ngoài. Điều này đã làm giảm tính sáng tạo, sự hấp dẫn của sản phẩm, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh hàng TCMN của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu. Đưa ra ví dụ về thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường xuất khẩu TCMN lớn nhưng đòi hỏi rất khắt khe, ông Lưu Duy Dần cho biết, với thị trường này, cạnh tranh về giá không đủ, mà các sản phẩm phải thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ cao của khách hàng. Vì vậy, các sản phẩm của Việt Nam với mẫu mã đơn điệu, không có sức sáng tạo đã mất dần ưu thế đối với các nhà nhập khẩu Nhật Bản.

"Cú hích" sáng tạo

Những năm gần đây, nhiều làng nghề đã nhận ra yếu điểm về mẫu mã nên đã chú trọng hơn đến đầu tư vào khâu tạo mẫu cho sản phẩm TCMN. Một số DN đã thành lập những đội thợ chuyên thiết kế mẫu sản phẩm. Tiêu biểu như tại làng gốm sứ Bát Tràng đã có những nghệ nhân đầu tư sáng tạo mẫu mã “độc” của riêng mình, được khách du lịch hoặc người sưu tầm đồ trưng bày rất ưa chuộng. Tuy nhiên, sản xuất sản phẩm đó hàng loạt để phục vụ nhu cầu tiêu dùng lại không khả thi.

Trước thực tế đó, từ năm 2012 UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội”, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, phát huy ý tưởng sáng tạo, phát triển mẫu sản phẩm mới, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm TCMN trên thị trường. Đồng thời, tập trung trí tuệ, ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước, các nghệ nhân đầu ngành để lựa chọn, bổ sung, hoàn thiện các mẫu sản phẩm TCMN, tạo ra các sản phẩm mới có tính sáng tạo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, có thể sản xuất với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo Ban tổ chức, có 201 sản phẩm, bộ sản phẩm thuộc 7 nhóm ngành TCMN tiêu biểu của 58 cá nhân tham gia cuộc thi năm nay đã được các chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực TCMN đóng góp ý kiến để hoàn thiện thiết kế. Sau các vòng chấm thi nghiêm túc, Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 36 sản phẩm đạt giải và được UBND thành phố phê duyệt. Đây là các sản phẩm đáp ứng cả 4 tiêu chí cuộc thi: Có tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, tính thương mại và thân thiện với môi trường. Trong đó, nhóm sản phẩm gốm sứ đạt 1 giải nhất và 6 giải khuyến khích. Các sản phẩm còn lại dù không đạt giải, nhưng cũng được Ban giám khảo đánh giá có chất lượng thiết kế tốt...

Theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi, sự tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, DN cho thấy họ đã nhận thức được tầm quan trọng của thiết kế mẫu mã sản phẩm trong kinh doanh. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, thì một sản phẩm hàng hóa không chỉ cần giá rẻ, mà mẫu mã phải đẹp, độc đáo và có tính ứng dụng cao. Vì vậy, các sản phẩm đạt giải sẽ được Sở Công Thương ưu tiên hỗ trợ kinh phí khuyến công, đào tạo nghề, truyền nghề, tham gia hội chợ trong nước...

Với mục tiêu và ý nghĩa trên, sau 4 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút gần 400 đơn vị, cá nhân trên địa bàn thành phố tham dự. Qua đó, đã có gần 1.000 mẫu sản phẩm TCMN có thiết kế mới được tạo ra. Nhiều mẫu sản phẩm sau khi đưa ra thị trường được khách hàng nước ngoài đón nhận, từng bước tạo chỗ đứng của các sản phẩm TCMN Việt Nam trên thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Cần giá trị kinh tế, mỹ thuật cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.