Nông nghiệp - Nông thôn

Nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã, bao bì và đóng gói sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Nguyễn Mai 05/11/2024 - 13:38

Ngày 5-11, tại tỉnh Hải Dương, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức Hội thảo về "Tư vấn, nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã, bao bì và đóng gói sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tăng sức cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu".

lang-nghe-2.jpeg
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Minh Phú

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt cho biết, cả nước hiện có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm làng nghề vẫn được sản xuất theo hình thức mẫu mã cổ truyền, như tranh tứ linh, tranh tứ quý (khảm trai, sơn mài), hạc đồng, đỉnh đồng, chuông đồng (đúc đồng), sập gụ, tủ thờ, hoành phi, câu đối (mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ), chụp đèn, bàn ghế (mây, tre đan)… Một số sản phẩm cũng được cải tiến cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, song nhìn chung việc cải tiến còn chậm, chưa tạo được đột phá để theo kịp với sự phát triển đa dạng của kinh tế thị trường. Nhiều sản phẩm đóng gói bao bì chưa đẹp, chưa bắt mắt, tính ứng dụng thấp, nên không đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

lang-nghe-1.jpg
Mây, tre đan ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) liên tục được cải tiến mẫu mã. Ảnh: Xuân Nguyên

Tham luận tại hội thảo, các ý kiến đã chỉ ra những nguyên nhân là điểm yếu trong thiết kế mẫu, như: Hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề đều ở quy mô nhỏ lẻ (hộ gia đình), năng lực về vốn, mặt bằng và cơ sở vật chất hạn chế, nên không thể đầu tư chiều sâu cho việc thiết kế mẫu mã mới. Bên cạnh đó, số lượng nghệ nhân tài hoa, hiểu sâu về kỹ thuật, kỹ xảo nghề truyền thống không có nhiều. Lớp nghệ nhân cao tuổi thì sức yếu, hạn chế về khả năng nắm bắt thị hiếu, thị trường, trong tiềm thức luôn lệ thuộc vào các mẫu mã truyền thống. Còn những người trẻ được học hành bài bản, có sự năng động, nhạy bén nhưng lại chưa có nhiều kỹ năng, kỹ xảo với nghề...

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ với các làng nghề về xu hướng thiết kế bao bì cho sản phẩm; cách thiết kế sản phẩm hấp dẫn của một số nước trên thế giới; cách phân biệt nhãn hiệu và ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm; một số khuyến nghị khi thiết kế nhãn hiệu, bao bì sản phẩm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã, bao bì và đóng gói sản phẩm thủ công mỹ nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.