Báo cáo kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi (2008-2018) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cho thấy, chăn nuôi bò sữa được xem là điểm sáng của toàn ngành.
Trong giai đoạn 2008-2013, tổng đàn bò sữa tăng mạnh từ 108.000 con lên 185.000 con (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,3%/năm); trong giai đoạn 2014-2018, tổng đàn bò vẫn tiếp tục tăng từ 228.000 con lên 294.400 con (tốc độ tăng trưởng đạt 6,6%/năm).
Giai đoạn 2008-2018, số lượng bò sữa cả nước từ 108.000 con lên 294.400 con, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,5%/năm. Việc phát triển mạnh đàn bò sữa có sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi mạnh như Vinamilk (tại Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và Tuyên Quang), sữa Mộc Châu (tại Sơn La). Mặc dù vậy, tăng trưởng của tổng đàn bò sữa chưa đạt theo mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi đề ra.
Trong cả giai đoạn 2008-2018, sản lượng sữa tươi tăng nhanh từ 262.200 tấn lên đến 936.700 tấn, đạt tốc độ tăng trưởng 13,6%/năm. Đây là bước tăng trưởng nhảy vọt của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam.
Như vậy, tính đến năm 2018, mặc dù tổng đàn bò sữa là 294.400 con, chỉ đạt 67,8% so với mục tiêu của Chiến lược là 434.000 con, nhưng sản lượng sữa đã là 936.700 tấn, đạt 102,1% so với mục tiêu kế hoạch (917.000 tấn).
Theo đánh giá, phương thức chăn nuôi bò sữa đã có nhiều thay đổi căn bản, hầu hết hộ chăn nuôi bò sữa đã chuyển sang chăn nuôi thâm canh, các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa đã tham gia chuyển đổi và phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa công nghiệp như Vinamilk, Mộc Châu milk, Đà Lạt milk…
Các mô hình chăn nuôi bò sữa liên kết theo chuỗi giá trị (doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân nuôi bò sữa) đã hình thành, tạo sự chủ động hoàn toàn trong việc cung ứng giống, thức ăn và chuyển giao kỹ thuật, thu mua sữa nguyên liệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.