Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân khấu với đề tài về Hà Nội: “Mảnh đất” cảm hứng và thách thức

An Nhi| 02/10/2022 06:13

(HNM) - Sau một tuần cống hiến, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 5 - năm 2022 khép lại vào tối nay (2-10), với sự biểu dương xứng đáng cho các thành phần sáng tạo. Có thể khẳng định, đề tài về Hà Nội với muôn màu, muôn vẻ vẫn là “mảnh đất” gợi cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ sân khấu. Song, để tạo nên nhiều tác phẩm hay, ghi dấu ấn trong đời sống nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của khán giả Thủ đô hiện nay, là thách thức với người sáng tạo.

Một cảnh trong vở diễn “Trung trinh liệt nữ” của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: Quang Tấn

Cuộc tụ hội nhiều màu sắc

Mùa thứ 5 của Liên hoan sân khấu Thủ đô có 13 đơn vị tham gia 13 vở diễn. Các đại diện của Thủ đô khá đầy đủ, gồm: Nhà hát Chèo Hà Nội với vở “Trung trinh liệt nữ”, Nhà hát Kịch Hà Nội với tác phẩm “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường”, Nhà hát Cải lương Hà Nội với vở “Trời Nam”, Chi hội Biểu diễn nghệ thuật Thăng Long (Hội Sân khấu Hà Nội) có “Vương quyền”. Đáng chú ý, lần đầu tiên, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội góp mặt với vở kịch xiếc “Hà Nội - thành phố của những giấc mơ”.

Các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Hà Nội cũng tham gia tích cực: Nhà hát Cải lương Việt Nam có vở “Bất tử với Thăng Long”, Nhà hát Chèo quân đội với “Sóng dựng Lô giang”, Nhà hát Kịch nói quân đội với “Mưa đỏ”, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội góp “Hoa cúc nhà trời”. Sự tham gia của các đơn vị sân khấu xã hội hóa cũng khiến liên hoan thêm màu sắc và tính cạnh tranh cao, như: Sân khấu Lệ Ngọc (Hà Nội) có vở “Huyền tích chùa Một Cột”, Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt (thành phố Hồ Chí Minh) diễn “Đêm trước ngày hoàng đạo”, Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh thể hiện vở “Án tình”...

Trong một tuần, khán giả Thủ đô trải qua nhiều cảm xúc với những câu chuyện nghệ thuật về Hà Nội và mang hơi hướng Hà Nội. Không ít khán giả đã rơi nước mắt cùng nghệ sĩ trong vở “Trung trinh liệt nữ” về số phận của công chúa An Tư nhà Trần, với cuộc hôn nhân mang tính trọng đại vì đất nước. Khán giả cũng hiểu thêm về “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á” qua vở “Huyền tích chùa Một Cột”… Đề tài về người Hà Nội hiện đại là một phần hấp dẫn của liên hoan. Như chuyện về những người con Hà Nội hào hoa, anh dũng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 ở “Mưa đỏ”; tâm tư, đấu tranh và luôn hướng tới cái đẹp, cái thiện của người Hà Nội đương thời qua vở cải lương “Án tình”...

Khán giả Hà Nội vô cùng thích thú và đến chật các khán đài trong các vở diễn của đơn vị phía Nam để gặp gỡ các nghệ sĩ nổi tiếng: Nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ, Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Kim Chi, nghệ sĩ Cát Tường, Võ Minh Lâm, Như Huỳnh… Bà Nguyễn Thị Minh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) chia sẻ: “Các vở diễn tôi theo dõi mang nhiều màu vẻ, vừa thân thuộc, vừa mới lạ. Hơn nữa, được nghe các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng ca giữa Hà Nội rất thú vị”.

Một cảnh trong vở “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Mảng đề tài dễ mà khó

Dù có sự tham gia của nhiều đơn vị nghệ thuật, nhưng Liên hoan sân khấu Thủ đô lần này có một số loại hình vắng mặt, như múa rối, tuồng; thiếu vở diễn của các loại hình đang thịnh hành, như nhạc kịch... Nghệ sĩ nhân dân Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo quân đội khẳng định, Hà Nội - mảnh đất nghìn năm văn hiến, trái tim của cả nước, luôn gợi cảm hứng cho người sáng tạo sân khấu. Đây cũng là đề tài mà Nhà hát Chèo quân đội quan tâm khai thác từ nhiều năm nay và được cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đón nhận nhiệt tình. Đề tài về Hà Nội rất rộng, nhiều hướng khai thác, từ lịch sử, địa danh, đến người Hà Nội trong kháng chiến hay đi khắp muôn nơi cống hiến, sự chuyển mình của đất và người Thủ đô hôm nay... Song, “có bột mới gột nên hồ”, không dễ tìm được nhiều kịch bản tâm đắc về Hà Nội cho sân khấu.

Có cùng trăn trở như vậy, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, những vở diễn về Hà Nội là mảng chính, tạo nên phong cách của nhà hát. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhà hát rất khó tìm được kịch bản phù hợp, nhất là đề tài hiện đại. “Dù có nhiều kịch bản được gửi đến, hoặc nhà hát trực tiếp đặt hàng, song vẫn hiếm kịch bản đạt yêu cầu, bởi nội dung chưa đủ sâu, thông điệp chưa rõ ràng, xây dựng tình huống, tính cách nhân vật thiếu nhất quán... ”, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu nói.

Là một đạo diễn phía Nam, nhưng có đến 3 tác phẩm dàn dựng tham gia liên hoan lần này, Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt mong muốn thành phố Hồ Chí Minh cũng có một cuộc tụ hội như vậy để thể hiện cảm hứng về một đề tài rất hấp dẫn. Theo Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt, nghệ sĩ phía Nam sáng tạo đề tài về Hà Nội không dễ, nhưng không nên cố bắt chước, mà phải dựng vở bằng góc nhìn của chính con người miền Nam thì mới có nét riêng và thuyết phục khán giả.

Ở góc độ diễn viên, nghệ sĩ Phùng Thị Thanh Huyền (Nhà hát Chèo Hà Nội) tự hào được tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô: “Sự cổ vũ, tương tác của khán giả đã tạo xúc cảm cho diễn viên hóa thân hiệu quả hơn. Đây là dịp để tôi có cơ hội nghiên cứu nhân vật kỹ hơn, bộc lộ nhân vật, câu chuyện về Hà Nội sâu sắc hơn”.

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo liên hoan khẳng định, đây là một sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô, tạo cơ hội cho đội ngũ nghệ sĩ giao lưu, học hỏi và gắn kết, nhằm thúc đẩy sáng tạo sân khấu về đề tài Hà Nội chất lượng hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu với đề tài về Hà Nội: “Mảnh đất” cảm hứng và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.