(HNM) - Mùa cua da chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng dịp cuối năm ở khúc Lục Đầu Giang thuộc các xã Đồng Việt, Thắng Cương và Yên Lư, huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Với vị ngọt pha chút ngầy ngậy của mỡ, thịt cua da đã trở thành món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích.
“Bí kíp” săn cua
- Tôi với bà phải ra sông ngay! - Ông Trần Hữu Tưởng, thôn Bến (Đồng Việt) vừa buông bát xuống mâm, vừa nói với vợ.
- Để xong bữa rồi đi, ông vừa ăn được một bát! Bà Bằng, vợ ông nài nỉ.
- Không được, nếu chậm sẽ phải bỏ mẻ lưới hôm nay - ông Tưởng nói dứt khoát rồi đứng dậy bước nhanh ra cửa. Tôi cũng vội rảo bước theo...
Bữa cơm trưa của vợ chồng ông Tưởng đành dang dở. Ông bà tất bật ra bến sông Thương - nơi có con thuyền neo đậu cạnh ngôi đền linh thiêng Cổ Phao. Ra đến bờ đê, trên mặt sông đã có một vài thuyền đang kéo lưới bắt cua, ai nấy đều chăm chú vào công việc như chạy đua với thời gian.
Ông Trần Hữu Tưởng, thôn Bến, xã Đồng Việt (Yên Dũng) kéo lưới bắt cua da. |
Buổi trưa đầu đông chưa rét đậm như dịp cuối năm, nhưng hôm nay, có đợt gió mùa Đông Bắc tràn về, gió từ mặt sông thốc vào người lạnh buốt khiến vợ chồng ông Tưởng run lên cầm cập. Con thuyền nhỏ chòng chành nhấp nhô trước những cơn sóng lớn. Bà Bằng vững tay chèo còn ông Tưởng nhanh tay nhấc từng đốt của tấm lưới lồng bát quái.
- Kéo lưới có vẻ nhẹ nhàng, sao ông bảo phải 2-3 thanh niên to khỏe mới kéo được? Tôi băn khoăn.
- Thời điểm nước đứng là lưới nhẹ nhất, nếu kéo vào lúc thủy triều đang lên hoặc đang xuống thì không ai kéo được, vì gặp dòng nước chảy xiết sẽ đưa tấm lưới có khung bằng sắt dài hàng chục mét chìm sâu dưới đáy sông - ông Tưởng giải thích.
Theo những người chuyên săn cua da ở đây, một ngày có hai thời điểm nước đứng, đó là khi thủy triều chuẩn bị lên hoặc chuẩn bị xuống. Người săn cua da phải nắm rõ quy luật này để kéo lưới, mặc dù khi đó trời đang mưa to gió lớn. Kinh nghiệm để xác định được thời điểm nước đứng dựa vào ngày con nước và theo mùa trong năm. Thông thường, mỗi tháng có hai con nước, riêng tháng Hai và tháng Tám âm lịch có ba con nước. "Những tháng đầu năm, thời điểm nước đứng rơi vào buổi chiều, những tháng cuối năm lại vào buổi sáng", ông Trần Kim Sinh, Phó Trưởng thôn Bến, cũng là anh trai ông Tưởng nói. Chẳng thế mà các cụ xưa có câu ca "Tháng Tám trâu bò ra, tháng Ba trâu bò về" để nói về thời điểm thủy triều lên, xuống.
Ông Tưởng năm nay gần 60 tuổi. Bố mẹ ông trước đây cũng làm nghề đánh bắt cá trên sông, sinh được 8 người con, 4 trai, 4 gái. Lớn lên, cả 4 anh em trai đều xung phong đi bộ đội, trong đó người anh cả đã hy sinh ở chiến trường miền Nam. Khi rời quân ngũ, 3 anh em ông Tưởng lại về làm nghề chài lưới và gắn bó đến ngày nay. Với nước da ngăm đen, khuôn mặt xương xẩu dày dạn nắng mưa, ông Tưởng vẫn khỏe mạnh lắm. Ông kể, nhiều lần lưới bắt cua bị mắc vào ghềnh đá ở đáy sông, ông phải lặn xuống để gỡ lưới trong tiết trời gió rét, nhiệt độ chỉ vài độ C. Mùa săn cua da chỉ diễn ra khoảng 3 tháng, từ tháng Chín đến tháng Một âm lịch. Thời tiết càng rét, cua da ở hạ nguồn càng về nhiều và chúng chọn những vực sâu hoặc ghềnh đá để trú ẩn. Khi đó, việc săn bắt cua da thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để bắt được nhiều cua da, đòi hỏi phải biết rõ các dải đất, ghềnh đá của từng khúc sông cao thấp ra sao... Đối với ông Tưởng, điều này bao năm nay ông đã thuộc như lòng bàn tay. "Muốn bắt được nhiều cua da thì phải thả lưới vào đúng đoạn dốc để đón cua bò lên; hoặc những chỗ có ghềnh thì rải lưới bám theo hườm đá", ông Tưởng chia sẻ kinh nghiệm. Đầu mùa đông năm nay trời ít rét, cua da chưa về nhiều, mỗi ngày ông Tưởng bắt được vài cân. Năm trước, vào mùa cua da, có ngày ông kéo được hai chục cân, thu về 4 đến 5 triệu đồng. Dự báo cuối năm nay trời rét đậm, ông Tưởng cũng như những hộ săn cua da ở đây đang mong chờ những mẻ lưới nặng hơn.
Đặc sản vùng sông nước
- Sao lại gọi là cua da? - Tôi tò mò hỏi.
- Gọi cua da vì trên chân, càng và yếm của nó có nhiều lông, người ta cho rằng vì chúng có lớp da nên mới mọc được lông - Ông Tưởng giải thích.
Thực ra, cái tên cua da cũng mỗi người giải nghĩa khác nhau, người thì bảo có thể gọi là cua “da” hay cua “ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng Chín cua ra, tháng Ba cua vào”. Cua da to hơn con cua đồng, trọng lượng khoảng 1-2 lạng/con, con to có thể lên đến 3-4 lạng. Thịt của chúng có vị ngọt pha chút ngầy ngậy của mỡ nên đã trở thành món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích. Cua da cũng có thể nuôi được nhưng ăn không ngon bằng cua bắt ngoài sông. Điểm khác biệt giữa cua da nuôi và cua tự nhiên là cua ở sông có màu xanh hoặc vàng nhạt, còn cua nuôi có màu xanh đậm. Đặc biệt, cua nuôi thường có trọng lượng đều nhau vì nuôi theo lứa, trên chân, càng và yếm không có nhiều lông, chúng di chuyển chậm chạp...
Lục Đầu Giang là tên thường gọi của người dân địa phương chỉ đoạn sông nơi hợp của 6 con sông: Đuống, Thương, Cầu, Lục Nam, Thái Bình và sông Kinh Thầy. Có lẽ do lưu vực sông nơi đây rộng, phù sa bồi đắp màu mỡ nhiều nên nguồn thủy sinh rất dồi dào, trong đó có loài cua da quý hiếm này. Làng ông Tưởng từng sinh sống trước đây có tên gọi là Cổ Phao (xã Đồng Việt) nằm trên một soi bãi bên dòng sông Thương, với vài chục nóc nhà chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá tôm. Vào những năm 1970, do hay bị lũ lụt, một nửa dân làng chuyển sang nghề khai thác cát sỏi, vận chuyển vật liệu xây dựng; một nửa dân làng di chuyển lên các sườn núi, trong đó tập trung ở thôn Bến để làm ruộng, cấy cày. Ông Trần Kim Sinh, Phó Trưởng thôn Bến cho biết thêm: "Thôn Bến hiện có hơn 200 hộ, ngoài làm nông nghiệp, người dân trong thôn còn có thêm nghề chài lưới trên sông, bình quân thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày. Trong đó, chỉ có khoảng 10 hộ chuyên săn bắt cua da vì đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm sông nước".
Trời về chiều, gió Bắc thổi ngày càng mạnh. Một số thuyền đã cập bến mang về những con cua da bò lồm cồm trong túi cước. Nhiều khách mua cua đứng chờ sẵn trên bờ từ khi nào. "Nhu cầu cua da rất lớn, khách phải đặt trước mấy hôm mới có hàng", ông Phạm Văn Trường, một người chuyên thu mua cua da ở xã Đồng Việt cho biết. Giá mỗi cân cua da tại bến hiện bán khoảng 300 nghìn đồng, tùy từng loại lớn nhỏ.
Gió Bắc đã về, cũng là lúc cua da ở Lục Đầu Giang vào mùa. Dòng sông nơi đây đã gắn liền với trang sử hào hùng của cha ông chống giặc Nguyên - Mông và nay đang mang lại nguồn lợi lớn cho cư dân vùng sông nước. Khúc Lục Đầu Giang những ngày này bạn chài đông vui hơn như đang ngân vang những bản vĩ cầm mang thanh âm yên bình và trù phú...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.