(HNMO) – Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án sân bay Long Thành. Điều các đại biểu quan tâm thảo luận là dự án cần thiết nhưng đã cấp thiết chưa?
Đa số các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành và các quan điểm được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tuy nhiên, điều các đại biểu quan tâm thảo luận là: dự án cần thiết nhưng đã cấp thiết chưa?
Đại biểu Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh chia sẻ, việc thể hiện quan điểm rõ có ủng hộ làm hay không làm dự án sân bay Long Thành thực sự là một quyết định khó với ông vì 2 lý do: nếu làm mà không hiệu quả, trước áp lực nợ công đang khó khăn thì không được; nhưng nếu không làm mà để đến lúc sân bay Tân Sơn Nhất quá tải mới nhận ra thì lúc đó trách nhiệm đại biểu Quốc hội lại nặng nề.
“Tôi tán đồng với báo cáo thẩm tra. Về chủ trương, là người tham gia quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tôi thấy rằng vùng này bắt buộc phải có một sân bay quốc tế, nên việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết. Tuy nhiên, cần thiết nhưng đã cấp thiết chưa?”, đại biểu Lịch nêu vấn đề.
Theo đại biểu Lịch, cơ quan trình dự án cần giải trình rõ khả năng có thể nâng công suất cho sân bay Tân Sơn Nhất hay không? Nhiều ý kiến cho rằng, với diện tích mặt đất đang có, Tân Sơn Nhất có thể nâng được công suất phục vụ lên đến 45 triệu lượt khách mỗi năm. Nhưng theo tính toán, với 2 đường băng đang có cách nhau một khoảng ngắn (360m), Tân Sơn Nhất lại nằm trong vùng chồng lấn, cấm bay…, không thể đảm bảo được việc phục vụ cho các máy bay cất, hạ cánh cùng lúc mất 2 phút. Ông đề nghị, Chính phủ cần làm rõ hơn về mặt khoa học, thực tiễn để thấy được chính xác giới hạn của sân bay Tân Sơn Nhất.
“Nếu làm rõ và chứng minh được sự hạn chế về không lưu, không thể nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên được thì vấn đề xây dựng sân bay thứ hai là bất khả kháng”, đại biểu Lịch nói.
Đồng thời, đại biểu Lịch đề nghị, Chính phủ cần làm rõ phân kỳ đầu tư, tiến độ giải tỏa đất phục vụ dự án cũng như nêu rõ cách làm làm sao để sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất.
“Đề án nói nhiều đến sân bay Long Thành với vai trò là sân bay trung chuyển quốc tế trong tương lai nhưng theo tôi, chúng ta phải tính nhiều phương án, xác định quy mô tối đa của dự án. Bo cáo khả thi phải trả lời những vấn đề này, đừng để dư luận cho rằng cơ quan trình dự án đang tính trung chuyển kiểu “đếm cua trong hang”. Quốc hội nên cho phép Chính phủ lập dự án khả thi để trả lời các khúc mắc”, đại biểu Lịch đề nghị.
Theo đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai, dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành vừa cần thiết, vừa cấp thiết. Cần vì đây là cơ hội để Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển KTXH đất nước đến năm 2020; phát huy các lợi thế của vùng kinh tế phía nam, sự ổn định chính trị… Cấp thiết vì đây là dự án phù hợp với hệ thống quy hoạch đã được duyệt từ năm 2005; các hệ thống giao thông đang xây dựng; đáp ứng được nhu cầu khi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải.
Đại biểu Vở cho rằng, những lo ngại về tính khả thi, nguồn lực vốn đầu tư trước áp lực nợ công, hiệu quả đầu tư… của nhiều đại biểu là đúng, đây là bài toán khó nhưng “có thể giải được” với điều kiện ngay tại kỳ này, Quốc hội thống nhất xem xét cho chủ trương lập dự án để kỳ sau Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư trên cơ sở có những luận chứng rõ ràng hơn về các vấn đề đại biểu quan tâm: vị thế chiến lược sân bay đạt được trong tương lai; huy động vốn…
“Chúng ta đừng sợ vì nợ mà không dám làm, nhất là những đầu tư phát triển trong dài hạn, vấn đề là làm sao chúng ta sử dụng vốn vay có hiệu quả, minh bạch rõ hơn về suất đầu tư… Khái toán dự án trình Quốc hội kỳ này cao so với quy mô một sân bay khu vực”, đại biểu Vở nói.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng cho rằng, để phát triển kinh tế-xã hội đất nước, cạnh tranh với các nước xung quanh, Việt Nam không thể lấy sân bay Tân Sơn Nhất ra cạnh tranh được, nhất là khi các nước khác đã xuất phát từ lâu, cạnh tranh với họ lúc này là cả vấn đề.
“Giờ chúng ta mới bàn chuyện xây sân bay Long Thành là trễ rồi. Long Thành cần cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam về lâu dài chứ không phải bây giờ. Sân bay Tân Sơn Nhất nếu có cải tạo cũng chỉ mang tính chắp vá”, đại biểu Thuyền nói.
Đại biểu Bế Xuân Trường – Nam Định cho rằng, các nước đều xây dựng sân bay cách xa trung tâm tầm 60km, nên Tân Sơn Nhất nằm ở nội đô không thể trở thành sân bay quốc tế trong tương lai
“Long Thành là vị trí tốt nhất, là trung tâm Đông Nam châu Á, đi các châu lục đều thuận lợi, nếu thành sân bay quốc tế thì sẽ phát huy được đầy đủ chức năng. Một sân bay hiệu quả cao cần có ưu thế về yếu tố địa lý; chính trị - xã hội ổn định; hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; năng lực quản lý, điều hành. Long Thành đầy đủ điều kiện xây dựng”, đại biểu Trường nói.
Ủng hộ chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành nhưng các đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Ninh Thuận, Đỗ Mạnh Hùng – Thái Nguyên, Nguyễn Phi Thường – Hà Nội, Nguyễn Văn Bình – Hải Phòng, Nguyễn Thái Học – Phú Yên… cũng có chung những băn khoăn về một số vấn đề của dự án.
“Đích của dự án là đón 25, 50 rồi 100 triệu lượt khách trong vòng hơn 10 năm tới liệu có đạt được không? Sân bay Long Thành làm ăn có lãi không, có cạnh tranh được không?… Ai đủ dũng cảm đứng ra bảo đảm những con số này? Mong muốn đó phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, những con số đưa ra trong tờ trình của Chính phủ còn quá lạc quan, mới chỉ là dự báo, chưa đủ cơ sở chứng minh tính xác thực. Chính phủ cần làm rõ những điều này để đại biểu Quốc hội có thêm cơ sở quyết định.
Đại biểu Ngô Văn Minh – Quảng Nam chung quan điểm, những con số Chính phủ đưa ra trong tờ trình dự án cần đảm bảo sự thuyết phục hơn.
“Tôi không phải là người trung dung nhưng nếu quyết không đồng ý thì thấy không thỏa đáng, mà đồng ý thì không yên tâm. Dự án này phải đầu tư 3 giai đoạn, Chính phủ cần báo cáo tổng thể cả 3 giai đoạn, chứ không phải chỉ một giai đoạn như hiện nay. Tất nhiên đây là báo cáo tiền khả thi, nhưng báo cáo khả thi tới đây cần làm rõ hơn để Quốc hội xem xét quyết định cho chính xác hơn”, đại biểu Minh nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc – Đồng Nai cho rằng, mối quan tâm lớn nhất khi bàn đến dự án này chính là vấn đề lòng tin và thông tin.
“Với dự án đã nằm trong quy hoạch tổng thể cả 10 năm, nhiều công trình thành phần đã xây dựng xong, ngay tại địa bàn Đồng Nai, người dân đang sống trong tình trạng dự án treo mà hôm nay Chính phủ mới trình Quốc hội thì việc quyết định đầu tư dự án gây băn khoăn là đúng", đại biểu Quốc nói.
Đại biểu Quốc ủng hộ việc Quốc hội, Chính phủ cần lắng nghe ý kiến của những nhà chuyên gia thực sự, những ý kiến phản biện của xã hội, mời những tổ chức độc lập để đánh giá dự án, từ đó Chính phủ có thể tự tin trả lời về những mục tiêu sẽ trở thành khả thi như trong tờ trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.